image banner
CẦN PHÒNG TỐT ĐỂ CHỐNG THAM NHŨNG HIỆU QUẢ
Lượt xem: 143
Tham nhũng là một hiện tượng tồn tại trong xã hội có phân chia giai cấp, có nhà nước, nó tồn tại ở mọi quốc gia, hiện diện trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển.

Tìm hiểu các thuật ngữ về tham nhũng

Theo pháp luật Việt Nam, tham nhũng được hiểu là hành vi vi phạm pháp luật do người có chức vụ, quyền hạn cố ý thực hiện, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi và gây ra những hậu quả xấu cho xã hội. Chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức…Những chủ thể này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để thu về các lợi ích vật chất, phi vật chất không chính chính đáng cho mình, cho gia đình hoặc cơ quan, đơn vị, tổ chức của mình.

Hành vi tham nhũng có thể phát sinh ở khu vực nhà nước và cả khu vực ngoài nhà nước, như:  Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi…

Hậu quả của tham nhũng tác động đến chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước, như: phá hoại đội ngũ cán bộ; kỷ cương xã hội không thể giữ vững, làm giảm sức mạnh, uy tín của Đảng, Nhà nước trước nhân dân; gây mất đoàn kết nội bộ; là lực cản đối với quá trình đổi mới đất nước; làm thất thoát những khoản tiền lớn trong chi tiêu, đầu tư công; làm đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội…vì vậy, phòng, chống tham nhũng hiệu quả là một trong những biện pháp để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Tại sao phải phòng trước, chống sau

Tham nhũng là một căn bệnh trong xã hội, nên phải quan tâm đến phòng bệnh trước, phòng ở đây được hiểu là việc ngăn ngừa tham nhũng từ xa để hành vi tham nhũng không thể xảy ra. Để phòng tham nhũng, Đảng ta đã đưa ra nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết về phòng tham nhũng, chỉ đạo, lãnh đạo các cơ quan nhà nước và toàn xã hội;  Nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để phòng ngừa tham nhũng, lãnh đạo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các cán bộ, công chức; các tổ chức chính tri-xã hội, các tổ chức xã hội và mọi công dân tiến hành các hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra phản biện xã hội, giải trình, công khai minh bạch, kê khai tài sản, kiểm soát tài sản thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác… với phương châm phòng là chính. Các chính sách về tiền lương, các quy định về kiểm soát quyền lực, các chế tài hình sự, hành chính được đề ra chính là các biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa hành vi tham nhũng. Việc tuyên truyền sâu rộng biện pháp phòng ngừa để cán bộ, công chức, viên chức và người dân nhận thức đầy đủ, tự giác thực hiện, giám sát, phát hiện sớm các hành vi tham nhũng cũng là để phòng ngừa.

“Chống” tham nhũng là việc Đảng đề ra các chủ trương, nghị quyết, xây dựng hệ thống cơ quan để trực tiếp chống tham nhũng, như: hệ thống cơ quan nội chính, hệ thống cơ quan kiểm tra đảng từ Trung ương đến địa phương để tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức đảng, đảng viên để phát hiện ra các hành vi vi tham nhũng và kịp thời xử lý. Các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng để làm căn cứ cho việc phòng, chống tham nhũng trong thực tế. Các cơ quan bảo vệ pháp luật như Thanh tra, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án tiến hành thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng. Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia vào việc phát hiện xử lý hành vi tham nhũng, từ đó góp phần vào việc chống tham nhũng.  

Qua công tác phòng tham nhũng, nhận thức, ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người dân được nâng lên rõ rệt, trên cơ sở đó niềm tin, lòng tin của nhân dân với chế độ, với công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng, của Nhà nước được nâng lên. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức đều thấy rõ việc cần phải giữ mình, phải quản trị bản thân, phải có tinh thần, trách nhiệm cao hơn nữa trong công tác tuyên truyền để phòng, chống hành vi tham nhũng.

Nhiệm vụ chống cũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả, thực tế nhiều vụ án tham nhũng lớn trong thời gian qua đã bị phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh. Tại cuộc họp ngày 10/5/2023, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã cho biết: từ sau phiên họp thứ 23 (tháng 1/2023) đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.099 vụ/2.411 bị can về các tội tham nhũng chức vụ kinh tế, khởi tố mới 242 vụ án/864 bị can về tội tham nhũng, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. [1]

Với chủ trương lấy phòng ngừa là cơ bản, lấy đấu tranh chống tham nhũng là quan trọng, lâu dài; trọng tâm, tỉnh Lào Cai đã quán triệt đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đồng thời ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức về phòng chống tham nhũng, như: Đề án số 16 nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống  tham nhũng trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025; Chỉ thị 52-CT/TU ngày 20/8/2019 của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc (tham nhũng vặt); chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ

Nhiệm vụ chống cũng đã được thực hiện tốt, kết quả cho thấy, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Lào Cai đã làm tốt công tác tuyên truyền; công tác phối hợp; thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao; kê khai, công khai minh bạch tài sản, thu nhập; thu hồi tài sản tham nhũng với tổng số tiền là 190.243.757.180 đồng (năm 2022).

Như vậy giữa phòng và chống có mối quan hệ mật thiết để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Chống chỉ có hiệu quả khi làm tốt việc phòng và phòng sẽ tốt khi chống được thực hiện công minh, kịp thời.

Như vậy, giữa phòng tham nhũng và chống tham nhũng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Phòng tham nhũng là để hành vi tham nhũng không thể xảy ra, khi tham nhũng không xảy ra thì không phải chống tham nhũng, và như vậy sẽ giảm áp lực cho việc chống tham nhũng. Ngược lại, chống tham nhũng sẽ hỗ trợ cho việc phòng tham nhũng, tạo niềm tin cho các tổ chức, cá nhân làm công tác phòng, chống tham nhũng, răn đe những người đang có ý định tham nhũng không dám tham nhũng. Như vậy có thể nói, phòng tham nhũng góp phần quan trọng vào việc chống tham nhũng và chống tham nhũng cũng góp phần rất quan trọng vào việc phòng tham nhũng, đặc biệt phải tiến hành với tinh thần “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” như cuốn sách của Tổng Bí thư đã viết.


[1] Báo Người Lao động ngày 11/5/2023

ThS. Đinh Thị Phương, Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
image banner