image banner
GIỚI THIỆU CHUNG
Lượt xem: 576

Tại biên bản họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai ngày 19 tháng 2 năm 1952, ở phần quyết nghị về công tác huấn chỉnh cán bộ có nêu nội dung “chuẩn bị lương thực cho nhà trường”[1]. Tuy không nói rõ tên trường Đảng, song trong nội dung công tác này Tỉnh ủy đề cập đến việc mở lớp huấn luyện lý luận chính trị cho đối tượng là các huyện ủy viên, cán bộ xã lâu năm. Về nội dung này, theo tư liệu do ông Nguyễn Huy Trí, nguyên cán bộ Trường Đảng tỉnh Lào Cai (1952-1975), nguyên Trưởng phòng Giáo vụ - Tư liệu – Thư viện trường Đảng Hoàng Liên Sơn (1976 - 1988) cung cấp: Trường được thành lập khoảng đầu năm 1952, địa điểm tại Xuân Mãn (Sơn Mãn) thuộc huyện Bảo Thắng (nay thuộc xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai), với tên gọi là trường Đảng tỉnh Lào Cai. Khi mới thành lập, cơ sở vật chất của trường còn nhiều khó khăn, lớp học đều dựng bằng tranh tre, nứa lá, bàn ghế được làm từ cây vầu.

Khai thác từ hồ sơ đảng viên thuộc Huyện ủy Bảo Thắng có ghi đã tham gia học lớp chính trị tại trường Đảng tỉnh Lào Cai từ năm 1952. Cụ thể, đảng viên Vũ Văn Hội, số sơ yếu lý lịch đảng viên 1002 T, vào Đảng ngày 19 tháng 6 năm 1950, sinh hoạt Đảng tại Chi bộ Ty Công an. Tại hồ sơ đảng viên Vũ Văn Hội nêu đã tham gia học về quản lý hợp tác xã trong vòng 20 ngày tại Trường Đảng tỉnh Lào Cai từ năm 1952. Đến năm 1953, đồng chí tiếp tục tham gia lớp lý luận chính trị 90 ngày tại Trường Đảng tỉnh Lào Cai[2].

Từ những cứ liệu đó có thể thấy, trường Đảng tỉnh Lào Cai đã ra đời trong khoảng thời gian đầu năm 1952. Tại Kết luận số 415-KL/TU ngày 14 tháng 6 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về việc công nhận ngày truyền thống của Trường Chính trị tỉnh Lào Cai, ngày 19 tháng 2 năm 1952 đã được công nhận và chuẩn y là ngày truyền thống của Trường.

Quá trình 71 năm xây dựng, phát triển, trường Đảng tỉnh Lào Cai nay là Trường Chính trị tỉnh Lào Cai đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí là đơn vị đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho tỉnh nhà, với quy mô ngày càng mở rộng, nội dung ngày càng phong phú, phương pháp ngày càng đổi mới, chất lượng ngày một nâng cao. Điều này là kết quả sự chú trọng và chỉ đạo công tác cán bộ nói chung, đào tạo cán bộ nói riêng của Đảng bộ tỉnh Lào Cai từ những năm đầu giải phóng tỉnh đến nay; đồng thời là thành quả từ trí tuệ, tâm sức của nhiều thế hệ cán bộ công tác tại Trường. Từ quá trình trưởng thành của đơn vị, nhà Trường rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu sau:

Một là, quán triệt chủ trương của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lào Cai, chỉ đạo chuyên môn của Học viện trong xây dựng và thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và nhà Trường.

Mỗi giai đoạn lịch sử với điều kiện, đặc điểm tình hình khác nhau, do đó Trung ương Đảng luôn có những chủ trương, đường lối cụ thể. Đảng bộ tỉnh trên cơ sở đó, kết hợp với điều kiện thực tế của tỉnh để cụ thể hóa thành chủ trương của địa phương một cách phù hợp. Vì vậy, cấp ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn phải chủ động nghiên cứu, nắm bắt chủ trương chung và chủ trương về đào tạo cán bộ của Trung ương Đảng, của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lào Cai một cách sâu sắc, kịp thời. Thực tế, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác cán bộ nói chung, đào tạo cán bộ nói riêng. Trong từng giai đoạn, Đảng bộ tỉnh có các Đề án, Chỉ thị, Nghị quyết cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đòi hỏi ban lãnh đạo Trường phải nắm vững, hiểu sâu và chủ động nghiên cứu để cụ thể hóa, tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, Trường còn chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), trong một số giai đoạn còn có trường Đảng Khu và Liên Khu. Thông qua Vụ các Trường Chính trị của Học viện, Trường cũng luôn nắm bắt nhanh chóng, kịp thời những chỉ đạo mới về chuyên môn của cấp trên, luôn căn cứ trên cơ sở nội dung chương trình, khung đào tạo, hướng dẫn đánh giá…của Học viện. Trên cơ sở đó, cấp ủy, Ban Giám hiệu nhà Trường từng bước cụ thể hóa, xây dựng thành chương trình, kế hoạch cụ thể của nhà trường. Ngoài ra, Trường sớm chủ động liên kết để mời giảng viên Học viện tham gia giảng dạy các chương trình khác nhau tại Trường.

Một yếu tố quan trọng mà nhà Trường luôn lưu tâm, đó là tính phù hợp. Thực chất, có những giai đoạn, những thời điểm nhà Trường còn nhiều khó khăn, từ cơ sở vật chất đến số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên…nên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng phải phù hợp với điều kiện cụ thể của Trường. Có giai đoạn khi chưa đủ giảng viên, Trường đã phối hợp với trường Chính trị tỉnh Yên Bái trong công tác đào tạo. Bên cạnh đó, Trường đã sớm chủ động phân tích tình hình của tỉnh Lào Cai, là một tỉnh miền núi biên giới, có nhiều dân tộc cùng chung sống, đòi hỏi về đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số cấp thiết. Trong khi đó, giai đoạn đầu trình độ học vấn của cán bộ còn nhiều hạn chế. Vì vậy, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Trường chú trọng nhiều đến lực lượng cán bộ cơ sở, quan tâm nhiều hơn đến cán bộ người dân tộc thiểu số; tùy vào điều kiện cụ thể để biên soạn chương trình và mở loại hình lớp “rút gọn” dành cho đối tượng cán bộ đặc thù của địa phương. Đồng thời, trong quá trình thực hiện chương trình đào tạo, giai đoạn đầu Trường chú trọng đến các cách thức đào tạo gần gũi, hiệu quả, gần với trình độ và khả năng tiếp thu của cán bộ.

Hai là, chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch và sáng tạo trong cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Một trong những kinh nghiệm quý mà tập thể lãnh đạo, giảng viên, chuyên viên nhà Trường rút ra trong quá trình công tác, đó là yếu tố chủ động. Tính chủ động được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà Trường quán triệt trong từng khâu, từng bước của công việc, cụ thể hóa ngay từ trong từng thành viên Ban Giám hiệu, sau đó gắn với từng khoa, phòng, bộ phận, con người cụ thể. Vì thế, mọi công việc của Trường đều được tiến hành nghiêm túc, hiệu quả, kịp thời.

Nhiều năm qua, lãnh đạo nhà Trường chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về các nội dung công việc liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, từ chương trình đào tạo phù hợp với đối tượng cán bộ địa phương, chế độ chính sách với các đối tượng học viên, việc phát triển đội ngũ giảng viên làm nòng cốt nâng cao chất lượng đào tạo của Trường hay vấn đề bổ sung cơ sở vật chất cho nhà Trường…

Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, kế hoạch năm học của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, hằng năm Trường chủ động xây dựng kế hoạch công tác năm học với những mục tiêu lớn trong năm theo từng quý, từng tháng, yêu cầu các khoa, phòng cụ thể hóa nhiệm vụ của mình thông qua kế hoạch khoa, phòng. Nhiều năm trở lại đây, Ban Giám hiệu nhà Trường đã chỉ đạo giảng viên, chuyên viên xây dựng kế hoạch cá nhân đầu năm và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch khoa, kế hoạch cá nhân một cách sát sao. Điều này vừa làm tăng tính chủ động, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, vừa góp phần tăng chất lượng, hiệu quả công việc của Trường.

Trong hơn 10 năm gần đây, Trường đã có nhiều sáng tạo trong cách vận hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Điển hình là việc xây dựng giáo án thảo luận dành riêng cho các giờ thảo luận trong khung chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính; việc quản lý tiến độ, chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.

Ba là, xây dựng tập thể cán bộ đoàn kết, vững vàng về bản lĩnh chính trị và chuyên môn làm nòng cốt cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học của nhà Trường.

Từ ngày đầu thành lập với số lượng cán bộ chưa nhiều, song trường Đảng tỉnh Lào Cai đã sớm xác định rõ ràng rằng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên chính là nền tảng, là chỗ dựa của nhà Trường, là những người trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị và quyết định đến chất lượng, kết quả củac ác nhiệm vụ đó. Vì thế, Trường đã tập trung xây dựng tập thể Chi ủy (sau này là Đảng ủy), Ban Giám hiệu đoàn kết, thống nhất, chung định hướng, tầm nhìn và mục tiêu xây dựng đơn vị. Đồng thời, ban lãnh đạo luôn chú trọng bồi dưỡng tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên đoàn kết cao độ, có tinh thần trách nhiệm cao, có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống tốt, luôn gắn bó và tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cơ quan.

Hơn nữa, Trường còn đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ, nhất là đội ngũ giảng viên làm công tác giảng dạy, nghiên cứu. Dù trong điều kiện nhiều khó khăn của những năm chiến tranh hay khi mới tái lập tỉnh, song Trường đã thường xuyên quan tâm đến việc lựa chọn và cử giảng viên tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, đào tạo lý luận chính trị tại các tung tâm đào tạo chất lượng trên toàn quốc. Điển hình là việc tạo điều kiện cho hàng chục cán bộ, giảng viên tham gia đào tạo sau Đại học, đào tạo chương trình Cao cấp lý luận chính trị - hành chính. Chính vì lẽ đó, đến nay Trường đã có một lực lượng cán bộ có năng lực cả về chuyên môn và lý luận chính trị khi hầu hết đều có trình độ Thạc sĩ và Cao cấp lý luận chính trị, có đồng chí là Tiến sĩ.

Đội ngũ vững vàng về bản lĩnh chính trị, chắc chắn về chuyên môn, ngày càng trau dồi kiến thức thực tế là “tài sản” của nhà Trường, là lực lượng căn bản xây dựng, phát triển nhà Trường qua các giai đoạn, nhất là thực hiện nhiệm vụ xây dựng Trường Chính trị chuẩn hiện nay.

Bốn là, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, coi đây là vấn đề cốt lõi của Trường.

Là đơn vị chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho địa phương, kết quả đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học là chỉ báo chất lượng, đồng thời là yếu tố khẳng định vị trí của nhà Trường. Nhận thức rõ ràng điều này, các thế hệ lãnh đạo trường Chính trị tỉnh Lào Cai ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học của Trường.

Trong những năm đầu mới thành lập, dù còn nhiều khó khăn, nhiều cán bộ được cử đi tăng cường công tác tại các địa phương trong tỉnh, song các giảng viên vẫn nỗ lực tìm tòi những phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học viên trình độ học vấn còn hạn chế. Trong những năm sau này, Trường luôn quan tâm đến việc cử giảng viên tham gia học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đặc biệt, hơn 10 năm trở lại đây, nâng cao chất lượng giảng dạy trở thành vấn đề trọng tâm trong công tác hàng năm của Trường. Bên cạnh việc cụ thể hóa quy định của Học viện và ban hành Quy chế giảng viên, Quy chế học viên, mỗi năm học, nhà Trường đều xây dựng kế hoạch công tác trọng tâm từ đầu năm. Trong kế hoạch nhấn mạnh các nội dung nhằm phục vụ nâng cao chất lượng dạy và học như nhiệm vụ Hội giảng cấp Khoa, cấp Trường, cử giảng viên tham gia Hội giảng cấp Học viện; dự giờ thường xuyên và dự giờ đột xuất trong năm; kiểm tra giáo án của giảng viên; đổi mới việc kiểm tra, đánh giá học viên bằng việc đa dạng hóa các hình thức thi (thi tự luận, thi vấn đáp, thi trắc nghiệm)…

Kinh nghiệm của nhà Trường cho thấy, muốn bồi dưỡng giảng viên, một trong những biện pháp hiệu quả là thúc đẩy giảng viên nghiên cứu, tìm hiểu. Chính vì thế, về nghiên cứu khoa học, vượt qua thời kỳ đầu còn nhiều khó khăn, cùng với việc cụ thể nhiệm vụ của giảng viên trong Quy chế, nhà Trường đã có những nỗ lực quan trọng để tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng các công trình, bài viết nghiên cứu của cán bộ, giảng viên. Một trong những dấu ấn quan trọng mang tính bước ngoặt trong công tác nghiên cứu khoa học của Trường là việc thành lập Hội đồng Khoa học vào năm 1996. Với việc thành lập Hội đồng Khoa học, việc đánh giá bài giảng, đánh giá các công trình nghiên cứu của cán bộ, giảng viên được thực hiện có hệ thống và hiệu quả rõ ràng. Khoảng 10 năm gần đây, chất lượng đề tài khoa học các cấp của Trường nâng cao rõ rệt. Đặc biệt, gần đây nhà Trường đã và đang tham gia thực hiện các đề tài khoa học cấp Tỉnh với nhiều chủ đề, góp phần vào công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận của địa phương. Bên cạnh đó, còn có những cá nhân giảng viên tham gia vào một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.

Năm là, xây dựng, củng cố tổ chức Đảng và các đoàn thể nhà trường vững mạnh toàn diện. Muốn nhà Trường phát triển mạnh mẽ, vững chắc, cần có định hướng, mục tiêu cụ thể và sự chỉ đạo đúng đắn, kiên quyết. Do đó, ngay từ đầu Trường đã ý thức rõ, tập trung xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, từ Chi bộ trong những năm đầu, sau đó phát triển thành Đảng bộ cơ sở như hiện nay. Tổ chức Đảng của nhà Trường từ khi thành lập đã đóng vai trò định hướng phát triển cho Trường. Thông qua các Chương trình, Kế hoạch, Chỉ thị, Nghị quyết gắn với từng giai đoạn cụ thể, trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, đồng thời xét đến nguồn lực thực tế của mình, Đảng ủy, Chi ủy đã xác định đúng đắn những mục tiêu, nhiệm vụ về đào tạo bồi dưỡng, về nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, về phát triển đội ngũ, về đổi mới và nâng cao chất lượng dạy – học…Từ đó, Đảng ủy, Chi ủy cũng xây dựng và chỉ đạo thực hiện những biện pháp phù hợp để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, để đảm bảo sự hoạt động chỉn chu của nhà Trường, đồng thời đảm bảo quyền. lợi ích của cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên, nhà Trường còn chú ý thành lập và duy trì tốt các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập Đỏ, Hội Cựu chiến binh của Trường. Công đoàn cơ sở Trường khẳng định được vai trò, được cán bộ viên chức ủng hộ, được Công đoàn cấp trên ghi nhận. Đoàn cơ sở nhà Trường hiện nay đã giải thể do cán bộ hết tuổi Đoàn, song trong thời gian tồn tại đã đạt nhiều thành quả quan trọng, nhận được Bằng khen của Trung ương Đoàn, nhiều Bằng khen, giấy khen của Tỉnh đoàn, Đoàn Khối các cơ quan. Hội Chữ thập Đỏ nhà Trường phát huy được vai trò cầu nối đến học viên, các tổ chức cá nhân ngoài xã hội để huy động sự đóng góp và giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh. Hội Cựu chiến binh Trường thành lập được sự ủng hộ và tham gia của các đồng chí cán bộ nhà Trường là cựu quân nhân, tạo thêm sự gắn kết của đồng chí trong cơ quan, đơn vị.

Sự ra đời và hoạt động của các tổ chức đoàn thể đã tạo thêm những diễn đàn để cán bộ nhà Trường và học viên tham gia sinh hoạt, giao lưu, rèn luyện và phát triển hơn. Từ cái nôi là các tổ chức đoàn thể, nhiều thế hệ cán bộ nhà Trường đã ngày càng trưởng thành và tiếp tục tham gia, đóng góp cho sự phát triển của Trường ở nhiều cương vị quan trọng khác. Không những vậy, từ hoạt động của mình, các tổ chức đoàn thể cũng góp phần không nhỏ vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của nhà Trường.

Sáu là, tăng cường phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Trường.

Với vị trí là đơn vị sự nghiệp thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình, trong quá trình hoạt động Trường luôn chú ý đến công tác phối hợp với các đơn vị hữu quan, từ đó tăng cường được hiệu quả công tác.

Từ khi mới thành lập, trong hoạt động của nhà Trường đã thể hiện sự gắn kết không tách rời với Ban Huấn học (sau này là Ban Tuyên huấn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy). Trường luôn kết hợp chặt chẽ và nhận được sự quan tâm của Ban trong việc xây dựng, chuẩn bị nội dung chương trình đào tạo để đảm bảo nội dung đào tạo, bồi dưỡng đúng, đủ, phù hợp với đối tượng của Trường.

Bên cạnh đó, Trường cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy vừa để nắm bắt nhu cầu, đối tượng học viên, phục vụ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, vừa có sự kết nối với địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở các lớp học tại chức ở địa phương trong những giai đoạn nhất định, đồng thời còn tạo thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu thực tế tại cơ sở của cán bộ, giảng viên và học viên nhà Trường.

Với các trường Đảng cấp huyện (nay là các Trung tâm Chính trị huyện, thị, thành phố), Trường duy trì mối quan hệ phối hợp nhuần nhuyễn trong công tác tuyển sinh, mở lớp, quản lý lớp học tại địa phương. Nhờ công tác phối hợp hiệu quả nên các khâu trong công tác của nhà Trường đều diễn ra thuận lợi, nhịp nhàng và đạt hiệu quả cao.

Hiện nay, Trường Chính trị tỉnh Lào Cai đang ngày càng khẳng định được “thương hiệu” của trường, đó là thành quả những nỗ lực của các thế hệ cán bộ, viên chức trường trong 70 năm qua. Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ trong xây dựng và phát triển vừa khẳng định thành quả chặng đường đã qua của Trường, vừa có ý nghĩa lớn với tập thể Trường trong quá trình phấn đấu, xây dựng trở thành Trường Chính trị chuẩn sắp tới.


[1] Đảng bộ tỉnh Lào Cai (2015), Văn kiện Đảng bộ toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 2, tr.270

[2] Theo Bản trích lục hồ sơ đảng viên Vũ Văn Hội, khai thác từ Hồ sơ đảng viên đã từ trần do Ban Tổ chức Huyện ủy Bảo Thắng quản lý



 Tác giả: Ban Biên tập
Ban Biên tập Cổng TTĐT
Tin khác
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
image banner