Ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh, Đảng bộ Lào Cai đã xác định phát triển giáo dục là một yêu cầu bức thiết, nhằm nâng cao dân trí, phát triển văn hoá. Sau gần 30 năm, nhìn lại chặng đường với sự kiên trì thực hiện và những bước đi vững chắc, đặc biệt trong giai đoạn 2015-2020 sự nghiệp giáo dục Lào Cai đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần đưa Lào Cai trở thành một trong những tỉnh năng động trong cả nước, kinh tế xã hội phát triển.
Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đàng khóa XI đã ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Thực hiện Nghị quyết, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành chương trình hành động 153-CT/TU ngày 06/01/2014. Trong giai đoạn 2016-2020 Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV xác định: “Đổi mới căn bản, toàn diện, tạo bước đột phá về giáo đào tạo; phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ. Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao gắn với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnhvà ứng dụng khoa học- công nghệ là những nhân tố quan trọn đối với phát triển kinh tế- xã hội”[1]. Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 6 “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục- đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2016-2020” trong đó xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp thực hiện. Quá trình thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Lào Cai, thực hiện đề án số 6 đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Quy mô giáo dục - đào tạo, mạng lưới trường, lớp học tiếp tục phát triển phù hợp với phân bố dân cư và địa hình của tỉnh, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.
Đến năm 2020, toàn tỉnh đã sáp nhập 135 trường thành 65 trường đạt 100% mục tiêu, gộp 266/192 điểm trường lẻ mầm non và tiểu học đạt 138%, đưa 15.000/8.300 học sinh ở điểm trường lẻ về trường chính đạt 172%, xóa 54/42 điểm trường đạt 128%, nâng cấp 04 trường PTDT nội trú THCS&THPT đạt 100%. Toàn tỉnh có 618 trường học giảm 65 trường so với năm học 2015-2016, 8.115 lớp học với 55.800 học sinh; công tác giáo dục dạy nghề được quan tâm, hiện toàn tỉnh có 43 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hoàn thiện việc sáp nhập trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai vào Đại học Thái Nguyên. Tỉnh tập trung cho phát triển công tác giáo dục dân tộc. Toàn tỉnh có 9 trường PTDT nội trú, các trường này đều có bậc học THPT với 4.445 học sinh. Giáo dục dân tộc thiểu số đã thực sự trở thành nòng cốt phát triển giáo dục vùng cao.
Chất lượng giáo dục toàn diện đã có những bước tiến bộ vững chắc, rõ nét, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, số trường học đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng, nhiều trường đạt chuẩn cấp độ 2 góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới
Đã hình thành nhiều mô hình giáo dục hiệu quả như: trường học gắn với thực tiễn thực hiện phương châm học đi đôi với hành; tăng cường hoạt động thực hành, trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống. Các mô hình trường học “nông trường, nông trại”, trường học “Du lịch sinh thái”, trường học “Đa văn hóa” có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp giáo dục.
Tỷ lệ chuyên cần ở vùng cao được nâng lên. Huy động trẻ 5 tuổi đạt 99,8%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 96%...tham gia các cuộc thi quốc gia, quốc tế đạt trên 1000 giải, kỳ thi THPT quốc gia hàng năm đạt kết quả cao. Từ 2015 đến 2020 thi học sinh giỏi đều duy trì kết quả cao, ổn định trên 40 giải quốc gia, đặc biệt năm 2019, Lào Cai có 44 học sinh đạt giải quốc gia, xếp thứ 18 trên toàn quốc, xếp thứ 4 trong các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia liên tiếp đạt giải cao, khẳng định là tỉnh đứng đầu trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh, năm 2019 có dự án đạt giải Nhất quốc gia và giải Ba quốc tế.
Cơ sở vật chất, trường lớp học, cơ sở đào tạo nghề tiếp tục được đầu tư và từng bước được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa. Xây dựng nhiều mô hình sáng tạo, tiên tiến, phù hợp với Lào Cai, nhiều trường ở vùng cao có cơ sở vật chất tốt, cảnh quan đẹp, hoạt động giáo dục chất lượng
Tỉ lệ phòng học kiên cố đến năm 2020 ước đạt 75%, 100% cơ sở giáo dục đã có nhà, lớp học kiên cố tại trường chính với diện tích đất cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập và các hoạt động của nhà trường. Đã hoàn thành việc xây dựng 728 phòng ở cho học sinh bán trú, 1.140 phòng công vụ cho giáo viên. Tích cực triển khai xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới 380/608 trường, đứng tốp đầu trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Công tác lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục và đào tạo có nhiều đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc với quyết tâm cao; đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo được tăng cường về số lương, từng bước nâng cao chất lượng, căn bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới, 100% cán bộ và giáo viên đạt chuẩn theo quy định
Tổng số biên chế sự nghiệp giáo dục tính đến tháng 5/2019 là 17.829 người. Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp giáo dục trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt các phong trào thi đua của ngành giáo dục: “Phòng giúp phòng, trường giúp trường”, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cuộc vận động kỷ cương, tình thương, trách nhiệm gắn với chủ đề năm học...; 100% cán bộ quản lý tham gia các chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về giáo dục, trên 25.000 lượt hoàn thành chương trình bồi dưỡng thường xuyên, tham gia hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng hàng năm.
Công tác xã hội hóa giáo dục và hội nhập, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh góp phần quan trọng trong đổi mới giáo dục của Lào Cai
Các nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ cho hoạt động giáo dục trung bình hàng năm khoảng 100 tỉ đồng; hoạt động hợp tác quốc tế được chú trọng, các cơ sở giáo dục tích cực hợp tác, giao lưu với các cơ sở nước ngoài. Hàng năm nhiều lượt giáo viên và học sinh đi học tập, kết nối với một số trường khu vực và quốc tế...nhiều trường trình hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng có giảng viên là chuyên gia nước ngoài tham gia góp phần giúp giáo viên tiếp cận với mô hình, phương pháp hiện đại, tiên tiến.
Bên cạnh những thành tựa đạt được, giáo dục Lào Cai trong những năm qua cũng còn có những hạn chế: nhận thức đổi mới giáo dục của một số ít cấp ủy, chính quyền cơ sở, cán bộ quản lý, giáo viên chưa thực sự sâu sắc; còn thiếu cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên như giáo viên tiểu học, giáo viên môn Tiếng Anh và Âm nhạc...;tỉ lệ học sinh phổ thông được học ngoại ngữ, tin học còn thấp; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học chưa đồng bộ. Một số xã vùng cao có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT và GDTX còn thấp; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn nhiều khó khăn; công tác xã hội hóa giáo dục còn hạn chế...tiềm ẩn nhiều vấn đề tác động tiêu cực đến giáo dục như: tảo hôn, cha mẹ đi làm ăn xa, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, bấp bênh...Thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Lào Cai tiếp tục có những chủ trương, quyết sách chỉ đạo ngành giáo dục và các đơn vị hữu quan để đưa Lào Cai thực sự là tỉnh có những thành tích vững chắc về giáo dục- đào tạo cần:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, thực sự đổi mới sự lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục của các tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn…Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 04/11/2013.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm quan trọng, vai trò của giáo dục đào tạo và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực này.
Ba là, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cấp giáo dục, công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, công tác quản lý giáo dục; tiếp tục thực hiện việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo một cách phù hợp; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học trên địa bàn tỉnh.
Bốn là, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, hội nhập và hợp tác quốc tế. Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động và thi đua khen thưởng.
Sáu là, coi trọng và làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, hoạt động của Thanh tra giáo dục để đưa hoạt động giáo dục phát triển thực chất và bền vững.
Với những chủ trương và quyết sách đúng đắn của Tỉnh ủy Lào Cai cùng sự nỗ lực của các cấp các ngành và đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở nền tảng thành tựu của giáo dục Lào Cai trong gần 30 năm qua, chắc chắn sẽ tạo đà trong giai đoạn tới để giáo dục Lào Cai tiếp tục đạt được những kết quả, những thành tích nổi bật, góp phần đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
[1] Văn kiện Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV, Xb, Lào Cai.03/2016, tr. 112,113