image banner
Một số kinh nghiệm khi hỏi thi vấn đáp
Lượt xem: 2865
Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập đối với người học là một quy trình trong công tác dạy học, đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống các cơ sở đào tạo. Hoạt động này giúp giảng viên đánh giá được việc nắm tri thức, kỹ năng, kỹ xảo của học viên sau 1 thời gian học tập, qua đó giúp học viên củng cố, mở rộng những tri thức đã học để có thể áp dụng những kiến thức đã học vào trong thực tiễn; Đồng thời qua kiểm tra, đánh giá kết quả thì bản thân giảng viên cũng nhìn nhận lại kết quả hoạt động của mình khi trực tiếp tham gia giảng dạy, truyền thụ tri thức trên lớp.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành TW Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Đảng ủy,Ban giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Lào Cai đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với nhiều nội dung cụ thể từ nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy, đổi mới phương pháp…trong đó có hình thức thi và kiểm tra bao gồm tự luận, vấn đáp, xây dựng bộ đề thi trắc nghiệm. Đối với hình thức thi vấn đáp được áp dụng từ 2016 đến nay đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Để tổ chức thi vấn đáp đối với các lớp thành công, BGH đã chỉ đạo phòng Đào tạo xây dựng kế hoạch học tập cho các lớp ngay từ đầu khóa học; mỗi lớp sẽ bố trí 2 lần thi hết môn bằng hình thức vấn đáp. Căn cứ vào kế hoạch, các khoa chủ động xây dựng câu hỏi thi, chuyển đến học viên ngay từ đầu kỳ của môn học đó để học viên chủ động theo dõi, nghiên cứu các câu hỏi; giảng viên trong quá trình giảng dạy cũng có thể gợi mở một số nội dung kiến thức cho học viên theo hệ thống các câu hỏi…Với cách làm trên, qua thực tế các môn thi vấn đáp đã được tổ chức tại các lớp cho thấy kết quả rất khả quan: tỷ lệ học viên đạt điểm khá giỏi từ 80% trở lên; ý thức học tập của học viên được nâng lên rõ rệt, học viên buộc phải tự học, nghiên cứu, cập nhật, bổ sung thêm những văn bản, chỉ thị, nghị quyết có liên quan đến môn học. So với thi tự luận, thì thi vấn đáp đã góp phần đẩy lùi tình trạng dựa vào đề cương do 1 nhóm trong lớp chuẩn bị; việc học, trả bài mà không hiểu bản chất hoặc thiếu sự liên hệ với thực tiễn sẽ được khắc phục cơ bản vì bộ đề thi gồm nhiều câu hỏi khác nhau trong toàn bộ môn học nên không thể “học tủ” hay “đoán mò” hơn nữa thời gian làm bài (khoảng 15 phút) nên học viên khó có thể trao đổi bài được cho nhau. Kết quả thi của mỗi học viên cơ bản đã phản ánh đúng về năng lực và việc tự học của học viên. Thông qua kỳ thi thi vấn đáp giúp học viên rèn luyện kĩ năng suy luận, thuyết trình, am hiểu lý luận, biết dùng kiến thức lý luận gắn với thực tế cuộc sống. Nhiều học viên cho rằng “việc tổ chức thi vấn đáp tại Trường giúp họ có ý thức học tập hơn, nhờ đó họ hiểu thêm nhiều vấn đề của lý luận, thực tiễn”, hoặc “Tuy chúng em học vất vả hơn nhưng tổ chức thi vấn đáp đã khắc phục cho chúng em 1 phần căn bệnh lười học chính trị mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra đối với cán bộ đảng viên” …

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi vấn đáp cùng còn 1 số vấn đề đặt ra như: có những câu hỏi có nội dung kiến thức còn rộng; việc hỏi của giảng viên đôi lúc còn đi “xa” chủ đề; nhiều học viên chưa có kỹ năng trả lời; 1 số học viên học còn mang tính chất đối phó, thậm chí không học bài….Nguyên nhân của những hạn chế trên do 1 số giảng viên chưa thực sự có kỹ năng kiến thức về môn học đó, thiếu kiến thức bổ trợ, thiếu kỹ năng hỏi vấn đáp, chưa thực sự hiểu biết về đối tượng học viên; tình trạng học viên ngại học, lười học lý luận chính trị vẫn còn khá nhiều, có học viên còn suy nghĩ “ học lý luận chính trị thì không thể có thi lại, không học cũng có điểm”…

Để các kỳ thi vấn đáp đạt được kết quả tốt, xin chia sẻ với đồng nghiệp và học viên 1 số kinh nghiệm sau:

Đối với người hỏi thi: cần nghiên cứu kỹ những kiến thức cơ bản của toàn môn học, bài học, trau dồi cho bản thân nhiều kiến thức bổ trợ có liên quan…phải hiểu, nắm chắc kiến thức của các câu hỏi để có thể biết được mức độ trả lời đúng, sai của học viên. Khoa chuyên môn cần chuẩn bị các câu hỏi với dung lượng kiến thức vừa phải để học viên khi chuẩn bị nội dung và có thể trả lời được trong khoảng thời gian vài phút. Khi hỏi cũng cần nghiên cứu thêm về đối tượng học viên (thông qua danh sách học viên với lý lịch trích ngang về nghề nghiệp, chức vụ, địa phương) để có thể đưa ra câu hỏi phụ và gợi mở học viên tiếp cận nội dung kiến thức đó qua thực tế của ngành, địa phương của họ. Giảng viên cần có thái độ nghiêm túc nhưng cũng phải hết sức ân cần, kiên nhẫn lắng nghe, tạo không khí thoải mái, tự tin cho học viên sẵn sàng trả lời câu hỏi vì trong thực tế có học viên mặc dù có kinh nghiệm và vị trí công tác nhưng khi bước vào kỳ thi có tâm lý lo sợ, lúng túng nên trả lời câu hỏi không rõ, xa với nội dung

Đối với người học: Mỗi môn thi vấn đáp chỉ có 10 câu, mỗi đề thi 2 câu. Mỗi học viên cần biết các câu hỏi thuộc bài học nào, phạm vi kiến thức? Thời gian dành cho học viên chuẩn bị học và thì thường 1 tháng, vì vậy học viên nên học theo cách hiểu và vận dụng vào trong thực tế thì sẽ nhớ nhanh và lâu. Mỗi người tự xác định cho bản thân 1 thái độ nghiêm túc, không nên suy nghĩ đơn giản cho rằng đó là 1 kỳ thi chỉ cần qua là đủ, hoặc chỉ học 1-2 câu tủ nếu không qua thì thì lại. Trong quá trình ôn thi học viên nên hỏi giảng viên hoặc tham khảo học viên các khóa trước để biết thêm kiến thức.

Khi trả lời câu hỏi, học viên phải tự tin trả lời, tránh nói ậm ừ, nói nhỏ; mắt cần nhìn thẳng người đối diện, không nên cúi mặt…Học viên nên trả lời tất cả những điều mình biết, kể cả khi bạn nói sai, chưa chính xác thì cần lắng nghe gợi ý của giảm khảo. Đôi khi trong lúc hỏi thi có thầy cô có quan điểm khác hay bác bỏ câu trả lời của mình, thì học viên không nên mất bình tĩnh. Cứ từ từ trình bày, phân tích quan điểm của mình và lắng nghe quan điểm của thầy cô. Đặc biệt, không nên cãi lại thầy cô với thái độ không mang tính xây dựng.

Trên đây là 1 số kinh nghiệm trong công tác hỏi thi vấn đáp, xin được chia sẻ cùng các đồng nghiệp.

ThS. Lê Bích Thủy, Trưởng khoa Lý luận Cơ sở
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
image banner