Tảo hôn và hôn nhân cận huyết là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số ở Lào Cai.
Tảo hôn là việc nam nữ lấy vợ, lấy chồng khi một hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật.
Hôn nhân cận huyết thống đó là việc kết hôn giữa nam và nữ nhưng lại có cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong pham vi ba đời. Theo giải thích của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì “Những người có họ trong phạm vi 3 đời là những người cùng một gốc sinh ra: Cha mẹ là đời thứ nhất; anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh chị em con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba”. Những trường hợp hôn nhân này không chỉ vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức truyền thống của ông cha ta, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thế hệ con cháu sau này, tiềm ẩn nguy cơ sinh ra những đứa trẻ dị tật hoặc mắc các bệnh như: bạch tạng, mù màu, tan máu bẩm sinh... làm suy thoái nòi giống, khiến chất lượng dân số suy giảm, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội.
Ở Lào Cai, về tảo hôn, theo thống kê sơ bộ, từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/7/2019 có 13.299 người dân tộc thiểu số kết hôn, trong đó có 1.185 người tảo hôn, chiếm 8,9%/tổng số người dân tộc thiểu số kết hôn (trong đó năm 2017 có 601 người; năm 2018 có 354 người; đến tháng 7/2019, có 230 người). Độ tuổi tảo hôn từ 16-19 tuổi đối với nam, từ 14-17 tuổi đối với nữ, cá biệt có trường hợp tảo hôn ở độ tuổi 12-13. So với giai đoạn từ năm 2015-2017, số người tảo hôn trên địa bàn tỉnh đã giảm 645 người, như Mường Khương (giảm 311 người, tương ứng 75,1%); Bát Xát (giảm 107 người, tương ứng 49,1%); Bảo Yên (giảm 82 người, tương ứng 46,6%); Văn Bàn (giảm 56 người, tương ứng 38,9%); Si Ma Cai (giảm 93 người, tương ứng 32,3%...). Nhưng cũng có địa phương số người tảo hôn tăng, như: Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Thắng, thành phố Lào Cai.
Tính theo thành phần dân tộc thì số người tảo hôn là dân tộc Mông chiếm cao nhất là 1.007 người, tương ứng 85%; các dân tộc Dao, Nùng, Tày, Phù Lá, dân tộc khác là 178 người, chiếm 15%.
Đối với hôn nhân cận huyết thống, từ 01/01/2017 đến 31/7/2019, trong tổng số 13.299 người dân tộc thiểu số kết hôn thì có 10 trường hợp hôn nhân cận huyết thống, chiếm 0,08%, trong đó, năm 2017 có 04 trường hợp, năm 2018 có 2 trường hợp, đến 7/2019 có 4 trường hợp. So với giai đoạn 2005-2007, đã giảm được 28 trường hợp, tương ứng 73,7%, đến nay, các huyện, như: Mường Khương, Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng, thành phố Lào Cai không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống xảy ra. Tính theo dân tộc thì 80% số trường hợp hôn nhân cận huyết thống thuộc dân tộc Mông, 20% còn lại thuộc dân tộc Dao.
Theo nghiên cứu, nguyên nhân của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở Lào Cai là do ảnh hưởng nặng nề từ quan niệm, tập tục lạc hậu như thách cưới, gả bán trong hôn nhân, hoặc mong muốn sớm có nhân lực lao động, sớm có con cháu cho gia đình, để trả lễ, lưu giữ tài sản không mang của cải sang gia đình nhà khác; Do điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu công ăn việc làm, hoạt động kinh tế chủ yếu là nương rẫy theo mùa vụ nên có nhiều thời gian rỗi, dẫn đến yêu đương sớm và kết hôn sớm; Do trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế nên chưa hiểu được những hậu quả, tác hại đến sức khỏe, tâm sinh lý, nòi giống của những cặp đôi sống chung với nhau, sinh con khi chưa đủ tuổi kết hoặc có cùng dòng máu về trực hệ, hay giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật chưa thường xuyên, các chế tài xử phạt hành chính về vi phạm tổ chức tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa đủ mạnh để ngăn ngừa răn đe; Chưa xử lý nghiêm dứt điểm các trường hợp vi phạm...
Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã tập trung đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU ngày 30/10/2017 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, như đổi mới phương pháp tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Quyết định 498/QĐ-TTg... các huyện, thành phố, xã, phường đã tổ chức được 2.631 cuộc tập huấn, hội nghị cung cấp thông tin cho 153.218 lượt người tham gia. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tăng cường lồng ghép tuyên truyền miệng về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đến nhân dân thông qua các chương trình thông tin lưu động, chiếu bóng lưu động, biểu diễn văn nghệ.... Sở Tư pháp phát hành 1.000 cuốn Hỏi - Đáp số chuyên đề về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Sở Y tế phát hành 14.000 tờ rơi với chủ đề “Vì sự phát triển và hạnh phúc của bạn - không tảo hôn”. Tỉnh Đoàn đã tổ chức các diễn đàn, hội thi, trại hè nhằm tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên... Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai xây dựng 5 mô hình điểm về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các xã Tả Phời, thành phố Lào Cai; xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn; xã Sử Pán thị xã Sa Pa; xã Bản Già, huyện Bắc Hà; xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai. UBND các huyện, thành phố còn tổ chức ký cam kết với ông mai, bà mối, thầy mo, thầy cúng ở các thôn bản sẽ không xem ngày, giờ hỏi, cưới cho những cặp đôi kết hôn khi chưa đủ tuổi hoặc là anh em họ hàng trong phạm vi ba đời.
Tiếp tục đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở Lào Cai, trong những năm tiếp theo cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, thay đổi nhận thức của xã hội về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn thể, tạo sự thống nhất nhận thức, đồng thuận xã hội trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nâng cao trách nhiệm, phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm hành chính về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai, về công tác tuyên truyền
Lựa chọn nội dung tuyên truyền có trọng tâm, phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng, địa bàn, thành phần dân tộc, biên soạn tài liệu ngắn gọn với ngôn ngữ dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn đời sống, sinh hoạt của đồng bào.
Đa dạng các hình thức tuyên truyền, tiếp tục tuyên truyền đến thôn, bản, cụm dân cư, lồng ghép với hoạt động giao lưu văn hóa, tổ chức lễ hội, hoạt động tuyên vận, hòa giải, các hội nghị của đoàn thể, hoạt động ngoại khóa trong trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật. Tăng cường tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, chuyên trang, chuyên mục trên báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, đài phát thanh tuyền hình, hệ thống truyền thanh của xã, thôn, panô, băng rôn, tờ rơi, tờ gấp, hội thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, hoạt động tư vấn trợ giúp pháp lý miễn phí tại trung tâm và lưu động đến các điểm dân cư vùng dân tộc thiểu số... Xây dựng các mô hình điểm hướng tới mục tiêu không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống để nhân rộng, thu hút người dân tham gia thực hiện.
Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền có đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, biết tiếng dân tộc địa phương, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào, tranh thủ lực lượng người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ...phối hợp tuyên truyền vận động ngay từ trong gia đình, dòng tộc, bà con thân cận trong thôn, bản.
Thứ ba, về công tác quản lý nhà nước
Các cấp, các ngành, cơ quan đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đặc biệt là vai trò của Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc các huyện, thành phố.
Xử lý nghiêm các vi phạm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn theo quy định của pháp luật hiện hành. Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm, thiếu gương mẫu trong việc phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, bảo đảm kịp thời, không né tránh, không bao che, không ngại va chạm.
Cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực công tác này tiếp tục bám sát cơ sở, theo dõi, nắm bắt thông tin và báo cáo kịp thời về các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, để có biện pháp xử lý kịp thời, đúng quy định.
Khen thưởng, biểu dương những đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác ngăn chặn, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; chấn chỉnh, phê bình những địa phương, đơn vị, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật, chưa làm tốt công tác này.
Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác này từ cấp xã đến huyện và tỉnh, đảm bảo thời gian, chất lượng.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết tổng kết trong việc thực hiện phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, tăng cường đầu tư các nguồn lực
Tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với các dân tộc có số dân thấp.
Ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Lồng ghép kinh phí thực hiện các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế- xã hội của các cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thiết nghĩ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên chắc chắn sẽ nâng cao ý thức ý thức pháp luật của người dân trong thực hiện luật hôn nhân và gia đình, góp phần ngăn chặn, giải quyết tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực ở vùng dân tộc thiểu số ở Lào Cai.