Cây chè trong sự phát triển kinh tế - xã hội của xã Bản Xen, huyện Mường Khương
Bản Xen là xã vùng thấp của huyện Mường Khương, cách trung tâm huyện 35 km về phía Tây Nam. Tổng diện tích đất tự nhiên của toàn xã hiện nay trên 2.200 ha, có 07 thôn bản, 938 hộ, 3.933 nhân khẩu, với 12 dân tộc cùng chung sống trên địa bàn. Là trong 2 xã trên địa bàn huyện Mường Khương được công nhận là xã đạt chuyển Nông thôn mới năm 2015.
Bước sang năm 2019, năm có ý nghĩa quan trọng tạo tiền đề để phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng trong nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Ngay từ đầu năm, Đảng ủy, chính quyền xã chỉ đạo thực hiện Quyết định số 868/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND huyện Mường Khương về giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dịch tả lợn Châu phi bùng phát, giá cả hàng hóa vật tư nông nghiệp tăng cao, giá cả một số mặt hàng nông sản giảm gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo phát triển nông nghiệp trên địa bàn xã. Để khắc phục những khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch giao, duy trì các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, chinh quyền xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện đưa các giống cây, con có giá trị kinh tế cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phòng chống cháy rừng…trong đó, duy trì và phát triển cây chè Bản Xen là một trong những cây trồng được quan tâm chú trọng.
Từ năm 1999, nhận thấy những thuận lợi về địa hình, khí hậu của xã trong việc phát triển nông lâm nghiệp, cán bộ huyện xuống tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi từ trồng cây ngô, cây lúa sang trồng chè. Nhưng do thói quen sản xuất truyền thống là tập trung sản xuất cây lương thực, nhân dân sợ trồng chè không hiệu quả …; thời gian được thu hoạch lâu hơn cây ngô, cây lúa vì từ lúc trồng cho đến khi được thu hoạch phải mất mấy năm, phải chăm sóc, làm cỏ, phun các loại thuốc chống sâu, nấm, cháy lá, không biết đầu ra sẽ như thế nào. Trước tình hình đó Cán bộ, đảng viên trong xã là những người tiên phong chuyển đổi một số diện tích trồng ngô, trồng cây kém hiệu quả sang trồng chè, sau vài năm đã có thành quả, nhân dân trong các thôn nhìn vào đó thấy được hiệu quả là nguồn thu nhập ổn định. Số hộ nhận đăng ký trồng chè ngày một tăng lên, thu nhập của nhân dân cũng tăng nên có điều kiện đầu tư cho con em theo học các trường chuyên nghiệp, như tại các thôn: Na Phả, Phẳng Tao, Bản Sen, Na Vai có gia đình nuôi được nhiều con học Cao đẳng, Đại học. Đến nay toàn xã đã có 675/933 hộ tham gia trồng chè.
Từ việc xác định, giá trị kinh tế cao và ổn định, của cây chè, Đảng uỷ, chính quyền xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia trồng chè hoặc trồng quế nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của xã trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Tuy được đánh giá là một trong những địa phương có vùng nguyên liệu chè lớn nhưng cây chè Shan của xã Bản Xen cho năng suất và sản lượng chưa cao. Để khắc phục hạn chế này, năm 2019, xã đã liên hệ sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông quốc gia, Trung tâm khuyến nông tỉnh Lào Cai về kỹ thuật, triển khai mô hình "Sản xuất chè an toàn" giúp các hộ trồng chè nắm được các kỹ thuật thâm canh sản xuất chè an toàn, tiến tới nâng cao giá trị các đồi chè. Với diện tích chè hiện có 636,7 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 500 ha. Toàn bộ sản lượng chè búp tươi được nhân dân bán ổn định cho Công ty Chè Thanh Bình và xưởng nhỏ lẻ trên địa bàn với giá bán trung bình 5.500 đồng/kg. Ngoài ra còn một số hộ tự sao sấy chè khô bán ra thị trường trong và ngoài xã. Giá trị thu được từ chè kinh doanh đạt 66 triệu đồng/ha.
Nếu năm 2015, diện tích chè của xã là: 582,3 ha; chè kinh doanh 430,4 ha; chè kiến thiết cơ bản là 116,9 ha. Diện tích chè trồng mới chất lượng là 37,8 ha vượt mục tiêu 2,8 ha, tăng 8% so với kế hoạch. Năm 2019, diện tích chè kinh doanh 553,9 ha; chè kiến thiết cơ bản 101 ha; diện tích chè trồng mới năm 2019 ha thực hiện 30ha. Năng xuất chè búp tươi bình quân 69tạ/ha.Tổng sản lượng chè búp tươi năm 2019 đạt 3.691 tấn đạt 111% với kế hoạch giao.
Trong năm 2019, mục tiêu cụ thể của địa phương là đưa năng suất trung bình của các đồi chè chỉ từ năng suất 12 tấn/ha/năm lên 18 tấn/ha trở lên, cho thu hoạch 12 - 15 lứa, năng suất bình quân tăng 40,2% so trước khi thực hiện mô hình chất lượng chè đảm bảo an toàn. Hiện tại, do quỹ đất hạn chế nên việc mở rộng diện tích vùng chè giảm, nhân dân chủ yếu tập trung vào chăm sóc thâm canh, tăng năng suất diện tích chè kinh doanh và diện tích chè kiến thiết cơ bản nhằm tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác.
Có thể thấy rằng, việc trồng chè trong thời gian qua luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương. Việc mở rộng diện tích đạt chỉ tiêu hàng năm, chăm sóc thâm canh được chú trọng nhằm tăng năng suất, giá trị kinh tế trên cây chè; Nhận thức của người dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè trên địa bàn xã ngày càng cao phát huy hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng trăm lao động.
Như vậy, bên cạnh những cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như lúa Séng Cù…, cấp ủy đảng, chính quyền xã Bản Xen đã luôn xác định và đánh giá cao vai trò của cây chè trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ dân trên địa bàn xã vì vậy luôn có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông – nhà nước – nhà doanh nghiệp để ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng, chăm sóc và khai thác chè một cách có hiệu quả cao nhất.
Tuy nhiên, trong năm qua do điều kiện đất đai, thời tiết biến đổi, nắng nóng kéo dài nên cây sinh trưởng, phát triển chậm. Bên cạnh đó, nhận thức của số ít người dân vẫn còn hạn chế, tự ý bán chè cho nhà máy chè Phong Hải làm ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu chè cung cấp cho Công ty chè Thanh Bình.
Xuất phát từ thực tế đó, trong thời gian tới, để đảm bảo sự phát triển bền vững của cây chè trên địa bàn xã cũng như sự ổn định trong liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp (Công ty chè Thanh Bình) cần có sự thống nhất chung giữa doanh nghiệp và nông dân về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên để đảm bảo hài hòa lợi ích của người trồng chè cũng như lợi nhuận của công ty; Cần phải xác định rõ quyền và nghĩa vụ của người trồng chè cũng như của Công ty chè Thanh Bình trong sự phát triển của cây chè trên địa bàn xã Bản Xen nói riêng và trên địa bàn huyện Mường Khương nói chung.
Để phát triển cây chè nói riêng, sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung cấp ủy đảng, chính quyền xã cần phải quan tâm đến một số vấn đề sau: cần tổ chức triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước đã ban hành, thực hiện tốt nhiệm vụ thu, thực hiện theo dự toán, chống thất thu, triệt để tiết kiệm; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ về sự liên kết giữa sản xuất với tiêu dùng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội; tập trung nâng cao chất lượng, tăng năng xuất và đảm bảo sản xuất chè an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP; vận dụng tốt chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng tạo sự chuyển biến về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc tổ chức thực hiện sản xuất, các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thiết nghĩ, căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, những tiền đề về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đặc biệt là nhân tố con người cấp ủy, chính quyền xã Bản Xen cần tiếp tục bám sát thực tiễn, xây dựng định hướng để chỉ đạo quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quốc phòng, an ninh, chú trọng đến chuyển đổi cây trồng vật nuôi, ưu tiên phát triển thành các vùng trồng các loại cây chè, cây quế, gạo Séng Cù, chăn nuôi lợn đen Móng Cái … Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp đem lại giá trị kinh tế cao, bền vững nâng cao đời sống cho nhân dân với mục tiêu phát triển con người toàn diện.