TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH LÀO CAI PHỐI HỢP TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA: PHÁT HUY GIÁ TRỊ, NGUỒN LỰC XÃ HỘI – NHÂN VĂN PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN TỈNH LÀO CAI TRỞ THÀNH CỰC TĂNG TRƯỞNG VÀ TRUNG TÂM KẾT NỐI KHU VỰC ĐẾN 2030, TẦM NHÌN 2050
Ngày 29/11/2024, được sự nhất trí của Thường trực Tỉnh uỷ, Trường Chính trị tỉnh Lào Cai phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lào Cai tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát huy giá trị, nguồn lực xã hội – nhân văn phục vụ phát triển tỉnh Lào Cai trở thành cực tăng trưởng và trung tâm kết nối khu vực đến 2030, tầm nhìn 2050”.
Đại biểu dự Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía tỉnh Lào Cai có: Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Dương Đức Huy, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo giáo Tỉnh uỷ; đồng chí Lý Bình Minh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Về phía trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có: Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thành Nam, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng trường.
Cùng dự hội thảo có Đại diện các đơn vị trực thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; các nhà khoa học đến từ các Trường đại học, các cơ quan, viện nghiên cứu. Đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị. Thường trực các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; các thành viên Ban Tổ chức, Tổ giúp việc Hội thảo; Ban Giám hiệu, đại diện lãnh đạo các khoa, phòng Trường Chính trị tỉnh; Các chuyên gia, tác giả, nhà khoa học có bài tham luận tại Hội thảo.
Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Hội thảo
Đồng chí Hứa Tân Hưng, Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã khẳng định: Lào Cai là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế to lớn, nhiều nguồn lực xã hội - nhân văn đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Để hiện thực hoá mục tiêu đưa Lào Cai trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc, việc phát huy tổng thể các nguồn lực, trong đó nguồn lực xã hội - nhân văn đóng vai trò quan trọng. Cấp uỷ, chính quyền; cán bộ, đảng viên; các địa phương, cơ quan, đơn vị cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để phát huy các nguồn lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội các cấp đề ra.
PGS.TS Bùi Thành Nam, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu đề dẫn Hội thảo
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Bùi Thành Nam đã nêu: Lào Cai có nguồn lực xã hội – nhân văn rất dồi dào, là nơi hội tụ và sinh sống của 25 dân tộc anh em với những bản sắc văn hoá, phong tục tập quán, lễ hội, ẩm thực, trang phục rất riêng. Các dân tộc Lào Cai đã sáng tạo, lưu giữ hàng trăm di tích lịch sử văn hoá và trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch. Thực tế phát triển cũng như những mục tiêu đặt ra trong tương lai đòi hỏi cần có sự phân tích, đánh giá khách quan, khoa học, sâu sắc, đa chiều. Nhận diện, phân tích, đánh giá thực trạng giá trị và nguồn lực xã hội - nhân văn tỉnh Lào Cai và trong lợi thế so sánh với những địa phương khác. Từ đó, đề xuất hệ thống các quan điểm, định hướng, mục tiêu, giải pháp bảo đảm nhằm phát huy giá trị, nguồn lực xã hội - nhân văn góp phần xây dựng, phát triển tỉnh Lào Cai.
Tham luận của các đại biểu tại Hội thảo
Hội thảo được tổ chức thành 2 phiên. Tại phiên thứ nhất, hội thảo đã nghe 5 tham luận từ các nhà khoa học, các nhà quản lý về những vấn đề lý luận, thực tiễn từ góc độ quốc gia, vùng và của tỉnh Lào Cai về việc phát huy các giá trị nguồn lực xã hội nhân văn như: tài nguyên văn hóa tộc người và chính sách văn hóa của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển; vai trò của nghệ nhân dân gian và người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở tỉnh Lào Cai và một vài tham chiếu với tỉnh Hà Giang; bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu phát triển tỉnh Lào Cai hiện nay; vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong bảo tồn, phát huy di sản văn hoá bản địa ở Lào Cai; kinh nghiệm phát huy nguồn lực xã hội - nhân văn ở Việt Nam.
Đại biểu tham gia phiên thứ hai của Hội thảo
Trong phiên thảo luận bàn tròn (phiên thứ hai), các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã cung cấp thông tin những lợi thế về các nguồn lực xã hội nhân văn để Lào Cao khai thác, phát huy. Những thách thức an ninh phi truyền thống; giải pháp phát huy các giá trị nguồn lực xã hội nhân văn trong phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống; vai trò của ngành văn hoá trong việc phát huy các giá trị nguồn lực xã hội nhân văn. Định hướng trong công tác tuyên truyền và tập trung tuyên truyền đến cán bộ, nhân dân và khách du lịch để nhận thức đầy đủ giá trị của các nguồn lực xã hội nhân văn trong sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lào Cai.
Đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại Hội thảo
Trên cơ sở những kết quả phân tích từ thực tế tỉnh Lào Cai của các nhà khoa học, các chuyên gia, tổng kết Hội thảo đồng chí Dương Đức Huy, nhấn mạnh: Các cấp, các ngành của Lào Cai cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò phát huy nguồn lực xã hội - nhân văn; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn việc phát huy nguồn lực xã hội – nhân văn trên địa bàn tỉnh gắn với từng địa phương; nghiên cứu toàn diện sự hình thành, vận động, phát triển của văn hoá, dân tộc, tôn giáo ở Lào Cai, mục tiêu xây dựng văn hoá đổi mới sáng tạo, văn hoá số, công nghiệp văn hoá; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn bảo tồn giá trị văn hoá bản địa của cộng đồng các dân tộc tiểu thiểu số nhằm bảo đảm phục vụ công cuộc xây dựng phát triển hài hoà, bền vững và đưa tỉnh Lào Cai trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc.