image banner
KHÔNG AI CÓ THỂ PHỦ NHẬN NHỮNG THÀNH TỰU VỀ NHÂN QUYỀN (QUYỀN CON NGƯỜI) Ở VIỆT NAM
Lượt xem: 155

Tóm tắt: Xưa nay vấn đề nhân quyền ở Việt Nam thường được các thế lực thù địch dùng nhiều chiêu bài chống phá, thậm chí họ đưa ra những cáo buộc méo mó, trắng trợn về tình trạng vi phạm nhân quyền. Những gì đang từng ngày, từng giờ diễn ra trên khắp đất nước Việt Nam cho thấy hơn bao giờ hết nhân quyền ở Việt Nam đang được quy định, bảo đảm một cách tốt nhất. Nhận thức đúng thành tựu về nhân quyền là đòn bẩy để chúng ta đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, thù địch.

Từ khoá: nhân quyền, quyền con người, thành tựu, thù địch, chống phá

1. Việt Nam có nền tảng pháp lý đầy đủ về nhân quyền

Quyền con người, quyền công dân là những yếu tố cơ bản, nền tảng của một xã hội dân chủ, văn minh. Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, quan niệm về quyền con người đã hình thành từ rất sớm, kể từ khi xuất hiện giai cấp và đấu tranh giai cấp thì một trong những mục tiêu và động lực của các cuộc đấu tranh giai cấp chính là vấn đề quyền con người. Đó là kết quả của cuộc đấu tranh không ngừng của toàn nhân loại vươn tới những lý tưởng cao đẹp, đấu tranh giải phóng con người nhằm xây dựng một xã hội thực sự công bằng, dân chủ, nhân đạo.

Vốn nhân quyền là các đặc quyền tự nhiên bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người. Mãi trong thế chiến thứ hai, những ám ảnh khủng khiếp về sự tàn bạo của chủ nghĩa phát xít đã trở thành chất xúc tác cơ bản dẫn đến việc hình thành ngành luật nhân quyền quốc tế. Sau đó với sự tiến bộ của nhân loại, trong công pháp quốc tế hình thành một hệ thống các văn bản pháp lý về nhân quyền. Những văn bản này nhận được sự phê chuẩn, tham gia ký kết của nhiều quốc gia tiến bộ, trong đó có Việt Nam. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 7/9 Công ước quốc tế cơ bản, quan trọng nhất về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản.

Trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia và pháp luật quốc tế chia quyền con người thành 3 nhóm chính đó là (i) các quyền về chính trị, dân sự; (ii) các quyền về kinh tế, xã hội và văn hoá; (iii) quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Con người được hưởng những quyền gì sẽ phụ thuộc vào điều kiện chính trị, kinh tế, truyền thống văn hoá của mỗi quốc gia trong từng thời kỳ. Vì vậy yêu cầu nhân quyền ở Việt Nam phải giống Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào là phi lý, là thiếu luận cứ khoa học. Luận điệu này chỉ có ở những kẻ có cái nhìn định kiến, phiến diện về nhân quyền. Khoản 1, điều 14 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.”

Nhìn nhận vấn đề này qua các bản Hiến pháp để thấy rõ quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam ngày càng được mở rộng và đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước. Ở bản Hiến pháp năm 1946, trong khi toàn văn chỉ có 70 điều thì đã dành 18 điều quy định về các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có những quyền trước đây người dân chưa bao giờ được hưởng. Sau đó những bản Hiến pháp được ban hành các năm 1959, 1980,1992 và 2013 số lượng điều luật quy định về nội dung này đã tăng lên đáng kể. Đặc biệt ở Hiến pháp năm 2013 có những thay đổi rất lớn trong nhận thức của chúng ta về vấn đề này. Tên chương và số lượng điều luật đều có sự thay đổi, lần này tên chương là: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân với 136/120 điều và được đặt trang trọng ở vị trí thứ 2, chỉ sau chương về chế độ chính trị.  Cần khẳng định rằng, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã thể hiện đầy đủ tất cả các quyền cơ bản, phổ biến của con người được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948 và các công ước quốc tế khác của Liên hợp quốc về quyền con người. Chúng ta không chỉ quy định các quyền con người được hưởng mà còn có đầy đủ các thiết chế, biện pháp để đảm bảo những quyền đó được hiện thực hoá. 

2. Những cái nhìn méo mó về nhân quyền ở Việt Nam

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong bảo vệ, bảo đảm thực hiện nhân quyền, nhưng lại nổi lên những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ về tình hình nhân quyền Việt Nam từ những tổ chức, cá nhân thù địch với chế độ xã hội tại Việt Nam, thậm chí họ cố tình quy chụp tình hình “nhân quyền ở Việt Nam là hết sức tồi tệ”. Chẳng hạn trong bản “Phúc trình Toàn cầu về tình hình nhân quyền năm 2021” của Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) đã xuyên tạc rằng: “Trong năm 2020, Việt Nam tiếp tục vi phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản một cách có hệ thống”{1}. Trả lời báo chí quốc tế, ông John Sifton, Giám đốc vận động châu Á của HRW cho rằng, Việt Nam về cơ bản đã hình sự hóa việc sử dụng internet hay các nền tảng mạng xã hội. Việc gia tăng trấn áp những người “cổ vũ cho tự do ngôn luận” được thực hiện trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII “để bảo đảm Đại hội diễn ra suôn sẻ và không bị các tiếng nói bất đồng chống đối” 2}. Luận điệu về “nhân quyền ở Việt Nam hết sức tồi tệ” thực chất là một cách nhìn hết sức méo mó về nhân quyền ở Việt Nam. Nói đây là cách nhìn méo mó vì những lý do sau:

- Thứ nhất, thông tin cóp nhặt, manh mún, xuyên tạc về bức tranh nhân quyền ở Việt Nam

Thực tế cho thấy, các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về nhân quyền, như các bản phúc trình toàn cầu về nhân quyền của HRW và các báo cáo của Mỹ về tự do tôn giáo, nhân quyền, buôn người, mắc hạn chế lớn là dựa trên những thông tin được thu thập theo kiểu cóp nhặt, cắt xén rời rạc, mang động cơ chính trị thực dụng, nên phiến diện và không phản ánh đúng thực tiễn nhân quyền tại Việt Nam.

- Thứ hai, cách nhìn mang động cơ thù địch về chính trị, chính trị hóa mọi vấn đề xã hội

Lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các tổ chức khủng bố (Việt Tân, Triều Đại Việt, Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời) và một số đối tượng chống đối trong nước đã đưa ra nhiều thông tin xuyên tạc về tình hình chính trị, xã hội ở nước ta, để tác động xấu đến tư tưởng nhằm gây bất ổn từ bên trong {3}. xâm nhập, kích động, tuyên truyền hòng thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nước ta sang tư tưởng quyền con người tư sản là cách thức các thế lực thù địch, phản động ưu tiên nhằm làm “chệch hướng” nền tảng tư tưởng của Đảng ngay từ trong nội bộ. Chúng xác định rằng, lực lượng bên ngoài là tác nhân quan trọng; lực lượng “ngầm” bên trong nội bộ Đảng, Nhà nước Việt Nam đóng vai trò quyết định, nòng cốt, chúng “móc nối và tìm cách  mua chuộc bằng tiền, hiện vật có giá trị để làm thay đổi tư tưởng, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một số cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược và cơ quan trọng yếu nhằm thay đổi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo hướng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, làm chệch hướng XHCN trong bảo đảm dân chủ, nhân quyền và quá trình đổi mới đất nước nói chung”{4}.

- Thứ ba, vi phạm nghiêm trọng công ước và nguyên tắc quốc tế về cấm can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác

Cụ thể là đã vi phạm nghiêm trọng Điều 2, Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 và Nghị quyết 2625 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng như trong nhiều điều ước quốc tế về nhân quyền. Theo Nghị quyết 2625: không quốc gia nào hay nhóm quốc gia nào có quyền can thiệp, trực tiếp hay gián tiếp, vì bất kỳ lý do gì vào công việc đối nội và đối ngoại của quốc gia khác. Mâu thuẫn nội tại của các luận điệu đó là mặc dù nhân danh nhân quyền phổ quát nhưng lại không tuân theo nguyên tắc điều chỉnh của luật nhân quyền quốc tế đối với chủ quyền quốc gia và trách nhiệm quốc gia, chẳng hạn theo Điều 1 của hai công ước quốc tế năm 1966 về các quyền dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như theo “Tuyên bố về các nguyên tắc của luật quốc tế, điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc” (năm 1970).

Chúng tìm mọi cách chống phá, bôi xấu những thành tựu nhân dân Việt Nam đã đạt được. Các tổ chức phản động được sự hà hơi, tiếp sức của những cái gọi là báo cáo về tình hình nhân quyền, các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền để đưa ra những luận điệu thù địch. Trong khi đa số các quốc gia, các tổ chức ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc thì tổ chức phản động Việt Tân ra sức bợ đỡ, vận động nhưng cũng chỉ có 8 tổ chức nhân quyền nghe theo chúng đề nghị Liên hợp quốc không cho Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền vì "không xứng đáng", vì "Việt Nam đang vi phạm nhân quyền". Việt Nam đã trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, thực tế đó cho thấy những người tiến bộ luôn nhìn thấy và nhìn rõ sự thật tốt đẹp về nhân quyền ở Việt Nam. Kết quả này cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; khẳng định rõ quan điểm, chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam về nhân quyền cùng những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao. Với trọng trách mới tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp vào thúc đẩy tất cả các quyền con người trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại… Kết quả này cũng là bằng chứng hùng hồn đập tan mọi âm mưu, luận điệu sai trái của một số cá nhân, tổ chức thù địch hòng lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá Việt Nam.

anh tin bai

3.Không ai có thể phủ nhận những thành quả nổi bật về bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam

Trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu những con số cho thấy thành tựu về bảo vệ quyền con người ở Việt Nam. "Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020... Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Chỉ số phát triển con người năm 2021 của Việt Nam đạt 0,7; đưa nước ta vào nhóm phát triển con người ở mức cao và xếp thứ 115/191 quốc gia. Theo báo cáo nghèo đa chiều năm 2021, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm liên tục và đáng kể, từ 18,1% năm 2012 xuống 10,9% năm 2016 và 4,4% năm 2020, nhờ vào tăng việc làm năng suất cao, cải thiện các dịch vụ xã hội, mở rộng hệ thống bảo trợ xã hội.

 Trái với những luận điệu cáo buộc ngụy biện, trơ trẽn về nhân quyền, thực tế Việt Nam đã và đang chứng thực sinh động sự tôn trọng, bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy nhân quyền trong điều kiện tác động của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Nhìn từ lịch sử cách mạng, chúng ta luôn phải khẳng định rằng ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất, Đảng, Nhà nước vẫn cố gắng chăm lo cuộc sống mọi mặt của toàn dân. Bởi đó là bản chất, là mục tiêu nhất quán của một Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Năm 2020 - 2021, khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới và ở Việt Nam, hàng loạt chính sách an ninh con người, an sinh xã hội được Chính phủ ban hành nhằm bảo đảm an ninh lương thực và ổn định cuộc sống tối thiểu cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Gói an sinh xã hội có quy mô 62.000 tỷ đồng (năm 2020), gói cứu trợ 26.000 tỷ đồng (năm 2021) là giải pháp cấp bách, kịp thời, không chỉ giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với quyền sống, quyền được chăm sóc y tế và mưu sinh của người dân, mà còn một lần nữa khẳng định mạnh mẽ quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam “đặt lợi ích của người dân lên trên” và “không để lại ai ở phía sau” trong đại dịch Covid-19.

Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy bình đẳng giới là thành tựu nổi bật của Việt Nam. Với chỉ số phát triển giới (GDI) là 0,997, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất trên toàn cầu. Việt Nam đứng thứ 65 trong số 162 quốc gia và nằm trong nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới.

Cũng không thể không nói đến tự do tiếp cận Internet, tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền sử dụng mạng xã hội, Việt Nam đang đứng top đầu thế giới. Là quốc gia có tới 150 triệu kết nối mobile, khoảng 70 triệu người dùng internet. Hạ tầng 3G/4G đã phủ sóng 99,8% dân cư và internet cáp quang đã tới 98% số phường xã. Hiện cả nước có khoảng 800 cơ quan báo chí, hơn 100 báo có hoạt động báo điện tử, hơn 600 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Đây là điều kiện quan trọng để người dân tiếp cận thông tin, đảm bảo thực hiện quyền của người làm chủ đất nước. Tất cả những quyền này dù có tự do đến mức độ nào đi chăng nữa thì cũng phải luôn quán triệt một điều: tự do trong khuôn khổ pháp luật, không được làm phương hại đến lợi ích của xã hội, lợi ích của người khác.

Những minh chứng trên cho thấy các quyền về chính trị, dân sự; các quyền về kinh tế, xã hội và văn hoá; quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương đã và đang được nhà nước quy định tôn trọng và bảo vệ đầy đủ. Thực tế đó là minh chứng rõ nét cho việc Việt Nam coi trọng nhân quyền, đề cao nhân quyền trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

4. Hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế…, nâng cao nhận thức là giải pháp cốt lõi chống lại những nhận thức sai lệch về nhân quyền

Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác âm mưu, thủ đoạn lợi dụng quyền con người của các thế lực thù địch, phản động, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về quyền con người, vị trí, vai trò công tác bảo vệ và đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn hoạt động lợi dụng nhân quyền chống phá nước ta, coi đó là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và nhân dân để huy động sự tham gia của cả xã hội trong công tác này. Cần tạo sự chuyển biến trong nhận thức về quyền con người qua các kênh tuyên truyền và giáo dục, qua đó, những âm mưu, thủ đoạn và hoạt động lợi dụng, xuyên tạc của các thế lực thù địch về thành tựu bảo đảm quyền con người, xâm phạm đến quyền con người, đến lợi ích của nhân dân Việt Nam dễ được nhận diện và có căn cứ để đấu tranh, phản bác hiệu quả.  Từng cán bộ, đảng viên phải nâng cao lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng để nhận diện và kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm, sai trái thù địch, xuyên tạc, vu khống, phủ nhận dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Để mỗi cán bộ, đảng viên là chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, thực hành phát huy dân chủ, nhân quyền ở nước ta. Cần xác định rõ những nhóm đối tượng cần được tiếp cận tuyên truyền nhiều hơn nhằm hình thành, định hướng nhận thức chính trị đúng đắn về nội dung này. Ví dụ như đối với lực lượng công nhân thì các địa phương, cơ quan có trách nhiệm phải xây dựng nội dung tuyên truyền ngắn gọn; tìm được phương pháp, thời gian tuyên truyền phù hợp. Hoặc với đối tượng học sinh, sinh viên, thông qua nhà trường với các môn học bắt buộc và tự chọn để hình thành những nhận thức đúng đắn về nhân quyền ở Việt Nam.

Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, coi trọng và thúc đẩy các quyền con người, coi con người là mục tiêu và động lực của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Làm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc là một trong những minh chứng sinh động, thuyết phục nhất để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ của các thế lực thù địch về thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng; quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách cần chú trọng đúng mức đến các quan điểm và nguyện vọng của các nhóm xã hội{5}.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quyền con người, chính sách xã hội, trong đó, con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển và tiến bộ xã hội. Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, phù hợp với nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, phấn đấu vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân. Tiếp tục củng cố hệ thống các quyền con người, quyền công dân đã được hiến định, để mọi người dân đều được hưởng thụ các thành quả phát triển kinh tế, xã hội của đất nước một cách công bằng thông qua việc được tiếp cận các cơ hội bình đẳng và phù hợp, bảo đảm sự tương thích với các nguyên tắc, tiêu chuẩn pháp luật quốc tế về quyền con người. Việc hoàn thiện pháp luật đó cũng là kiến tạo cơ sở pháp lý và chính trị cho mọi hoạt động khác vì sự phát triển của con người Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế pháp lý thực hiện, giám sát thực hiện và xử lý các vi phạm quyền con người để bảo đảm tất cả quyền con người đều được tôn trọng, bảo đảm trong thực tế.

Bốn là, mở rộng quan hệ quốc tế trong nghiên cứu và thực thi quyền con người. Việc bảo vệ quyền con người ở các quốc gia được coi như một điều kiện quan trọng trong quá trình hợp tác quốc tế hiện nay. Do đó, trong nhận thức và giải quyết vấn đề quyền con người, cần quán triệt nguyên tắc thống nhất tính phổ biến và tính đặc thù của quyền con người khi xem xét những vấn đề thực tiễn về quyền con người. Đây là kênh quan trọng để quốc tế có cái nhìn đúng đắn về nhân quyền ở Việt Nam.

Việc thực hiện dân chủ và quyền con người còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện, trước hết là trình độ phát triển kinh tế và điều kiện cụ thể của mỗi nước, mỗi dân tộc trên tất cả các phương diện của đời sống. Các nước có chế độ chính trị khác nhau, trình độ phát triển khác nhau, không thể lấy quan niệm, thực tiễn của nước này, của dân tộc này về dân chủ và quyền con người áp đặt cho dân tộc khác, nước khác. Do đó, xây dựng và thúc đẩy đối thoại trên lĩnh vực dân chủ, quyền con người có ý nghĩa tích cực, góp phần nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, từng bước thu hẹp bất đồng với các đối tác quốc tế trong vấn đề quyền con người. Qua đối thoại cũng nhằm bác bỏ những thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các nhóm, cá nhân cực đoan trong và ngoài nước về tình hình quyền con người ở Việt Nam. Bên cạnh việc thực hiện cơ chế đối thoại chính thức với các nước, cần chủ động và tích cực đăng cai tổ chức các hội thảo quốc tế để các nhà chính trị và các nhà khoa học tham dự và thảo luận về các vấn đề liên quan đến quyền con người

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Https://www.hrw.org/vi/world-report/2021/country-chapters/377412

2. Https://www.voatiengviet.com/a/ph%C3%BAc-tr%C3%.

3. Hồng Phú - Nguyễn Huân: Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng biểu tình tại Cuba để kích động chống phá, http://cand.com.vn/, ngày 19-7-2021

4. Tường Duy Kiên: “Đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam hiện nay”, Tlđd

5. Đoàn Trường Thụ: Think tanks trong đời sống chính trị Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và những gợi ý đối với Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 247
ThS. Lưu Thị Sim, Phó Hiệu trưởng - ThS. Ngô Thị Nhung, Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
image banner