image banner
5 YẾU TỐ CHỦ YẾU ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG BỒI DƯỠNG, CẬP NHẬT KIẾN THỨC CHO ĐỐI TƯỢNG 4
Lượt xem: 280
Tóm tắt: Chất lượng các khoá bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối tượng 4 chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố chủ yếu, như: nội dung chương trình, tài liệu, năng lực đội ngũ giảng viên, công tác tổ chức quản lý lớp học, trang thiết bị cơ sở vật chất, sự tạo điều kiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương và đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của bản thân người được cử tham gia các lớp bồi dưỡng. Vì vậy, để nâng cao chất lượng bồi dưỡng rất cần thực hiện tốt, đáp ứng đầy đủ các yếu tố cơ bản đó.

Từ khoá: đối tượng 4, giảng viên, tác động, ảnh hưởng.

Đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức nói chung và đối với cán bộ diện ban thường vụ huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ trực thuộc tỉnh và tương đương quản lý (đối tượng 4), việc tham gia các khoá bồi dưỡng, cập nhật kiến thức vừa là quyền lợi của bản thân, vừa là yêu cầu của tổ chức nhằm thực hiện tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Năm 2023, Trường Chính trị tổ chức hai khoá Bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho 120 học viên là cán bộ thuộc đối tượng 4 trên địa bàn tỉnh. Đây là hai khoá bồi dưỡng đầu tiên được tổ chức theo Quy định số 164-QĐ/TW ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có cán bộ thuộc diện đối tượng 4.

Qua quá trình tổ chức thực hiện bồi dưỡng đối với cán bộ diện ban thường vụ huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ trực thuộc tỉnh và tương đương quản lý, cho thấy có năm yếu tố chủ yếu tác động, ảnh hưởng đến chất lượng công tác bồi dưỡng.

anh tin bai

Lễ Khai giảng Lớp bồi dưỡng đối tượng 4

Một là, nội dung chương trình, tài liệu bồi dưỡng

Nội dung chương trình, tài liệu bồi dưỡng là yếu tố quan trọng hàng đầu, ảnh hưởng đến chất lượng công tác bồi dưỡng đối tượng 4; cần bảo đảm vừa cập nhật, bổ sung kiến thức mới, vừa giải đáp những vấn đề thực tiễn mới đặt ra và trang bị kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh vị trí công tác.

Theo khung chương trình do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành năm 2021, khoá bồi dưỡng được tổ chức với thời lượng 05 ngày, gồm 07 chuyên đề giảng dạy, 01 chuyên đề báo cáo thực tiễn cơ sở và đi nghiên cứu thực tế; tài liệu cập nhật kiến thức về lý luận chính trị; những vấn đề mới trong quan điểm, chủ trương của Đảng về chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng, chính quyền; những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với công tác lãnh đạo, quản lý.

Để phù hợp với sự vận động và phát triển của mỗi địa phương, trong quá trình soạn giảng nội dung cần liên tục cập nhật, điều chỉnh, thay đổi, bổ sung cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi cán bộ trong thực tiễn; bảo đảm tính khoa học, tính chính trị cao, lựa chọn những chuyên đề thiết thực, bổ ích cho đối tượng người học sẽ giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng.

Hai là, trình độ, năng lực của đội ngũ giảng viên giảng dạy

Đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các khoá bồi dưỡng. Nếu đội ngũ giảng viên nhiệt huyết, có uy tín, trình độ, giàu kiến thức thực tiễn sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng và ngược lại, nếu thiếu hụt đội ngũ giảng viên hoặc hạn chế về năng lực, thiếu sự gương mẫu, chuẩn mực sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình bồi dưỡng.

Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần lựa chọn phương pháp phù hợp với người học, đây là đối tượng có nhiều đặc thù như: là thường trực cấp uỷ, chính quyền địa phương cấp xã; trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể và tương đương của huyện, thị xã, thành phố; là người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, vốn sống phong phú, việc tiếp thu kiến thức không thụ động, một chiều mà còn sẵn sàng phản biện, tranh luận, phân tích vấn đề. Do đó khi tham gia giảng dạy, giảng viên cần phát huy tốt vai trò trung tâm của người học, chuyển trọng tâm của hoạt động giảng dạy từ trang bị kiến thức sang bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp tư duy, phương pháp tiếp cận, nắm bắt và giải quyết vấn đề; kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học tích cực với phương pháp truyền thống một cách thuần thục, nhằm phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học viên.

Ba là, công tác tổ chức, quản lý lớp học và điều kiện cơ sở vật chất

Công tác tổ chức, quản lý các khoá bồi dưỡng khoa học sẽ góp phần tác động tích cực nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ, chẳng hạn như xây dựng kế hoạch bồi dưỡng linh hoạt phù hợp với điều kiện công tác của học viên, thời gian tổ chức nên tránh tháng cao điểm (tháng 6, tháng 12); địa điểm có thể tại trường hoặc có thể bố trí tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, do số lượng cán bộ diện đối tượng 4 khá nhiều, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người học. Hoạt động quản lý cần chặt chẽ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động dạy và học, đẩy mạnh quản lý nền nếp đi đôi với phát huy ý thức tự giác trong học tập, rèn luyện của học viên. Bên cạnh đó, việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, bảo đảm tài liệu nghiên cứu, phòng học hiện đại, bảng màn hình led,… góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ.

Trong quá trình tổ chức, cần đánh giá chất lượng theo quy định tại Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Việc đánh giá toàn diện trên tất cả các mặt, từ chất lượng bồi dưỡng, chương trình, tài liệu bồi dưỡng, giảng viên cho đến cơ sở vật chất. Thông qua kết quả khảo sát đánh giá giúp cho Trường có căn cứ để điều chỉnh. Đồng thời giữ mối liên hệ hai chiều, thường xuyên với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương về ý thức, thái độ, kết quả tham gia bồi dưỡng của cán bộ được cử đi bồi dưỡng.

Bốn là, bản thân cán bộ tham gia bồi dưỡng

Khi học viên có động cơ học tập đúng đắn, có nhu cầu được bổ sung, cập nhật kiến thức thì sẽ tích cực, tự giác, chủ động “biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”; trong quá trình tham gia học tập, nếu học viên có phương pháp phù hợp, tích cực trao đổi, thảo luận, chia sẻ, tương tác với nhau và với giảng viên; thường xuyên so sánh, đối chiếu kiến thức lý luận với thực tế công việc; … tất cả những điều này sẽ giúp học viên sẽ gặt hái, thu được nhiều kết quả khi tham gia bồi dưỡng.

Tuy nhiên, khi tham gia bồi dưỡng, vẫn có những cán bộ chưa thực sự chú trọng dành thời gian thích đáng cho việc học tập, nghiên cứu, một số do công việc chuyên môn quá bận nên chưa chuyên tâm để tham gia bồi dưỡng hoặc tham gia không đầy đủ các buổi trong chương trình … đã ảnh hưởng phần nào đến chất lượng bồi dưỡng.

Do đó, điều quan trọng chính là bản thân cán bộ tham gia lớp bồi dưỡng cần nâng cao nhận thức của mình về ý nghĩa, vai trò cũng như quyền lợi và trách nhiệm của mình khi được cử đi bồi dưỡng, từ đó có động cơ đúng đắn, thái độ tích cực trong học tập, giúp cải thiện, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của học viên ở vị trí việc làm của mình sau khoá học.

Năm là, sự quan tâm, tạo điều kiện của cơ quan, đơn vị, địa phương

Yếu tố này ảnh hưởng không nhỏ đến việc tham gia khoá bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ đối tượng 4. Từ xây dựng kế hoạch, lựa chọn cử cán bộ tham gia bồi dưỡng đối tượng 4 cho đến quán triệt, nâng cao nhận thức tư tưởng của cán bộ, tạo điều kiện sắp xếp bố trí công việc chuyên môn, thời gian cho cán bộ được tham gia trọn vẹn khoá bồi dưỡng,…

Bên cạnh đó, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ là người trực tiếp đánh giá, nhận xét cán bộ sau khi tham gia bồi dưỡng, căn cứ vào phản hồi, đánh giá của nhà trường về tham gia bồi dưỡng; căn cứ những chuyển biến của cán bộ về thái độ, tinh thần trách nhiệm, kỹ năng giải quyết công việc,.. nếu việc đánh giá được chú trọng sẽ tác động tích cực đến ý thức của cán bộ khi tham gia lớp bồi dưỡng.

Vì vậy, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng cho đối tượng này, Trường cần lựa chọn giảng viên có trình độ, nhiều kinh nghiệm và am hiểu nội dung chuyên đề; với những chuyên đề đặc thù, có thể mời giảng viên thỉnh giảng giàu kiến thức thực tiễn để trình bày. Nội dung các bài giảng cần bổ sung, cập nhật những quan điểm, chủ trương mới của Đảng, đồng thời liên hệ gắn với địa phương tỉnh Lào Cai. Trang bị đầy đủ giáo trình tài liệu cho học viên học tập, nghiên cứu. Ưu tiên bố trí trang thiết bị, phòng học hiện đại thuận lợi cho đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập. Bên cạnh đó, Trường cần lấy phiếu ý kiến đánh giá về chất lượng lớp bồi dưỡng theo quy định và thường xuyên giữ mối hệ hai chiều với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương về tình hình tham gia lớp của cán bộ được cử đi bồi dưỡng.

Việc xác định được các yếu tố chủ yếu tác động, ảnh hưởng đến chất lượng các lớp bồi dưỡng là rất quan trọng, giúp cho Trường có những giải pháp phù hợp, điều chỉnh cần thiết về nội dung chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, phương pháp quản lý, công tác phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị,… nhằm tổ chức ngày càng tốt hơn các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý diện đối tượng 4 theo quy định. 

ThS. Lê Văn Hiền, Trưởng phòng QLĐT&NCKH
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
image banner