Năm 2020, Bảo Thắng là huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đạt trên 14%/năm. Giá trị thu nhập trên một ha canh tác đạt 106 triệu đồng; Thu nhập bình quân đầu người đạt 72,8 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo còn 4,72 %, hộ cận nghèo là 5,84%, tỷ lệ hộ khá giàu đạt 46%.
Huyện có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó có nông sản chủ lực như: diện tích đất nông nghiệp 58.166,8 ha, chiếm 90,3% diện tích tự nhiên; là cửa ngõ giao thương của thành phố Lào Cai, trên địa bàn huyện có tuyến đường Quốc lộ 70, Quốc lộ 4E, tỉnh lộ 151,152, đường sắt, đường thuỷ chạy qua; có hệ thống sông, suối, ao, hồ khá phong phú là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp và giao thương hàng hóa; tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực ngành nghề nông thôn khá cao chiếm 76,73% và tỷ lệ được cấp bằng, chứng chỉ đạt 40,61%; nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được đưa vào sản xuất tạo điều kiện cho nông dân lựa chọn, đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế; kết cấu hạ tầng (về thủy lợi, điện, đường, các thiết chế văn hóa, chợ nông thôn và xây dựng nhà ở dân cư…) thường xuyên được đầu tư mới và nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu về sản xuất nông nghiệp…
Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Huyện ủy triển khai bằng Chương trình số 25-CTr/HU ngày 14/10/2021 về thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU. Hằng năm UBND huyện ban hành các kế hoạch đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai, đồng thời các phòng chức năng cũng ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện.
Phát triển các ngành, hàng chủ lực của tỉnh trên địa bàn đã có nhiều kết quả khả quan như: cây chè, diện tích chè toàn huyện 509 ha, sản lượng 3.960 tấn đạt giá trị đạt 25.740 triệu đồng; cây chuối, tổng diện tích 391 ha, sản lượng 9.660 tấn, giá trị đạt 48.300 triệu đồng; cây dứa: tổng diện tích chuối 466,3 ha, sản lượng ước 9.520 tấn, giá trị đạt 57.120 triệu đồng; chăn nuôi lợn, trong chăn nuôi đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, theo hình thức trang trại, phương thức công nghiệp, sử dụng giống tốt, thức ăn công nghiệp, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Sản xuất chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao bước đầu được các doanh nghiệp thực hiện tốt...Tổng đàn lợn 124.131 con, sản lượng 20.109 tấn, giá trị đạt 1.146.213 triệu đồng; cây quế, tổng diện tích toàn huyện lên 9.044 ha, giá trị đạt 327.243 triệu đồng. Hiện nay trên địa bàn huyện có Công ty cổ phần đầu tư chế biến nông sản Thành Đạt, thị trấn Phố Lu; HTX Tâm Hợi, xã Sơn Hà; Công ty cổ phần tinh dầu quế Phú Nhuận, Công ty Tech-ViNa xã Xuân Quang thực hiện liên kết thu mua tiêu thụ sản phẩm cho người dân, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước và xuất khẩu sang các nước SinGaPore, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Banglades…; Phát triển kinh tế đồi rừng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung phục vụ chế biến lâm sản. Tập trung phát triển sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng theo hướng bền vững, vừa khai thác gỗ kết hợp với phát triển khai thác lâm sản ngoài gỗ, công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước, công tác trồng rừng bằng các loài cây đa mục đích, gắn kinh doanh gỗ rừng trồng với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, công tác phòng, chống cháy rừng được chú trọng, đã trồng được 321.798 cây xanh phân tán, trồng rừng 2.820 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đến nay 58,3%.
Về kết quả phát triển các ngành hàng tiềm năng của địa phương: cây rau, duy trì và phát triển diện tích sản xuất rau trên địa bàn, chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh phát triển vùng rau, đặc biệt phát triển vùng rau chuyên canh, an toàn tập trung tại xã Gia Phú, Sơn Hải, Thái Niên, Phong Niên, thị trấn Phố Lu. Trong 3 năm qua trên địa bàn huyện đã triển khai 04 dự án thực hiện tại các xã Gia Phú, Thái Niên, Phố Lu với tổng kinh phí 2.698,6 triệu đồng. Tính đến hết năm 2023, diện tích rau toàn huyện 1.681,9 ha, sản lượng 24.282 tấn giá trị đạt 292.596 triệu đồng. Hiện nay trên địa bàn có HTX hữu cơ Đồng Lục, xã Gia Phú thực hiện liên kết thu mua bao tiêu sản phẩm cho nhân dân, thị trường tiêu thụ trong nước; cây bưởi: Tiếp tục tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực chuyển đổi diện tích trồng cây cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây bưởi, đưa những giống cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất như bưởi da xanh, bưởi Múc, bưởi diễn... tổng diện tích 514 ha tập trung tại xã Thái Niên, Xuân Quang, Phong Niên, sản lượng 8.580 tấn, giá trị đạt 85.800 triệu đồng; cây na, thực hiện thâm canh theo quy trình VietGAP vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất na trái vụ nhằm nâng cao giá trị kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho người dân, tăng giá trị trên 1 ha canh tác. Tổng diện tích na 159 ha tập trung tại xã Xuân Quang, Thái Niên, Phong Niên, sản lượng 1.576 tấn; chăn nuôi gia cầm: tập trung chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Tổng đàn gia cầm 2.139.940 con, tập trung tại xã Xuân Quang, Phong Niên, Sơn Hải, sản lượng 9.343 tấn, giá trị đạt 560.580 triệu đồng; thủy sản: khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đồng thời đưa một số giống cá có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: cá lăng, cá quả, cá chép lai, cá rô phi đơn tính... Diện tích 850 ha, tập trung tại thị trấn Phong Hải, Phú Nhuận, Xuân Quang.., sản lượng ước 4.777 tấn. Hiện nay trên địa bàn có HTX Thuỷ sản Phong Hải thực hiện liên kết thu mua và bao tiêu sản phẩm cho nhân dân, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và một số tỉnh thành như Hà Nội, Hải Dương.
Qua những con số được điểm ở trên có thể cho thấy, huyện Bảo Thắng đã có những bước phát triển đáng kể trong việc xây dựng nông sản chủ lực. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tỉnh Lào Cai đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn cụ thể hóa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; nhận thức của người dân về vai trò của nông sản chủ lực đã được nâng cao, chuyển đổi từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang kinh tế nông nghiệp hiện đại, nhìn nhận nông sản chủ lực là yếu tố quan trọng trong việc tăng cường thu nhập và cải thiện đời sống; những tiềm năng tự nhiên và xã hội của huyện đã được khai thác hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản xuất; công tác quy hoạch vùng sản xuất cũng đã được quan tâm đúng mức, với việc hình thành các vùng sản xuất nông sản chủ lực và vùng hàng hóa tập trung, từ đó giúp huyện khai thác tối đa lợi thế địa phương; việc tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu cho sản phẩm được đẩy mạnh; ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp được đặc biệt chú trọng; nguồn nhân lực đối với xây dựng nông sản chủ lực đã được huy động. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp chủ lực, đã giúp nâng cao kỹ năng và năng lực sản xuất, góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nông nghiệp. Việc phát triển nông sản chủ lực trên địa bàn huyện Bảo Thắng trong thời gian qua đã góp phần mang lại sự tăng trưởng trong các lĩnh vực đời sống xã hội, đáp ứng nguyện vọng của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện Bảo Thắng vẫn còn một số hạn chế: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng cơ sở chưa thực sự sâu sát; công tác tuyên truyền vận động có lúc có việc chưa thực sự hiệu quả; một bộ phận nhân dân vẫn còn tư tưởng ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa mạnh dạn chuyển đổi tư duy đầu tư, phát triển nông nghiệp hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao; công tác quy hoạch vùng sản xuất nông sản chủ lực, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thật sự kịp thời; tổ chức sản xuất chưa thực sự đổi mới, kinh tế tập thể không đủ mạnh để trở thành hạt nhân, đầu tàu trong sản xuất nông sản chủ lực, các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất mang tính tự phát. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp hoạt động chưa hiệu quả. Khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất một số hộ nông dân không tuân thủ quy trình kỹ thuật. Việc gia tăng về quy mô, năng suất đối với các sản phẩm chủ lực còn chậm; sản phẩm chế biến sâu tỷ lệ thấp, chủ yếu vẫn là sơ chế, chế biến thô, chủng loại sản phẩm chưa phong phú; việc triển khai một số giải pháp nhằm xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn; việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế. Chuyển đổi giống cây trồng, áp dụng khoa học tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp diễn ra chậm… ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp đã quan tâm thực hiện nhưng chưa sâu, rộng; kỹ thuật, kinh nghiệm, tác phong lao động của nông dân chưa cập nhật được với nhu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa; sản xuất theo quy trình Viet GAP, hữu cơ, nông nghiệp sạch có tỷ lệ chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động xây dựng nông sản chủ lực còn nhiều hạn chế, không đồng đều, người lao động thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất thực tiễn…; cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực trong quá trình triển khai, thực hiện đôi khi chưa kịp thời, vẫn mang nặng tính thủ tục, rườm rà …
Trên cơ sở kết quả đạt được, cũng như những hạn chế đã được chỉ ra, trong thời gian tới, để phát triển nông sản chủ lực, địa phương cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản:
Một là, tiếp tục đôn đốc việc quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TU gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện lần thứ XXVIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI... Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp.
Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về vị trí, vai trò của chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phát huy hiệu quả của hình thức tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Ba là, chỉ đạo, hướng dẫn cơ cấu giống, thời vụ, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh phát triển các ngành hàng chủ lực, tiềm năng theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Bốn là, tiếp tục kêu gọi thu hút các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến nông, lâm sản trên địa bàn, tìm kiếm, thu hút Doanh nghiệp, HTX đến liên kết, ký kết hợp đồng để tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ổn định, bền vững.
Năm là, đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 và Nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh.
Sáu là, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản, tìm kiếm, thu hút các Doanh nghiệp, HTX đến liên kết để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức, dịch vụ sản xuất gắn với liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm.
Bảo Thắng xác định xây dựng nông sản chủ lực đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân và thúc đẩy kinh tế địa phương. Trong những năm qua, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, đã đẩy mạnh xây dựng, phát triển nông sản chủ lực dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương và đạt nhiều kết quả tích cực. Bảo Thắng thực sự đã trở thành điểm sáng của Lào Cai trong phát triển nông sản chủ lực, đóng góp chung vào sự phát triển của Lào Cai.