HỌC BÁC ĐỂ TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG THI ĐUA THIẾT THỰC TRONG NHÀ TRƯỜNG
Dự Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, ngày 01-5-1952, Chủ tịch Hồ Chí minh đã dạy, “Thi đua là yêu nước: Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực… Yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất…”. Những năm qua lời dạy của Bác luôn được mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên khắc ghi và làm theo.
Trong tư tưởng của Bác, thi đua trước hết phải thiết thực, gắn với công việc hàng ngày của mỗi người, đem lại lợi ích cho cá nhân, cho cộng đồng và cho đất nước. Trong Lời kêu gọi thi đua Bác đã chỉ rõ “Tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”. Thi đua không phải chỉ hô hào chung chung, mạnh ai nấy làm, thấy rõ điều này, nên Người cũng dạy: Thi đua phải có kế hoạch tỉ mỉ, nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực. Trong Thư gửi thanh niên, ngày 01-8-1951, Người viết: “Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”. Rất nhiều lần, Người nhấn mạnh sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở mọi công việc. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” (1927), Người đã nêu 23 điều về “Tư cách một người cách mệnh”, trong đó có điều: “Nói thì phải làm”, với Người đảng viên phải luôn đi trước để làng nước theo sau. Bác khẳng định: Đảng phải lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước. "Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng". Cần có sự lãnh đạo thống nhất, có sự phối hợp giữa Đảng, chính quyền với các đoàn thể nhân dân, bảo đảm các mặt hoạt động thi đua ăn khớp với nhau, nhằm vào mục đích chung, vào mục tiêu thi đua nhằm hoàn thành tốt những nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước đề ra.
Như vậy làm theo chỉ dẫn của Bác, cốt lõi của thi đua là phải xây dựng được các phong trào thi đua thiết thực với kế hoạch đầy đủ, cụ thể về nội dung, phương pháp, cách thức và đối tượng tiến hành. Trong Trường Chính trị thì dạy, học, nghiên cứu khoa học là những nhiệm vụ chính, vậy nên những năm gần đây các nội dung thi đua đều đã bám sát các nhiệm vụ chính trị này, như phong trào “ thi đua dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học tốt”; phong trào“ Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”… các phong trào thi đua luôn được kế hoạch hoá với mục tiêu, nội dung và đối tượng thực hiện rõ ràng, phù hợp với đặc thù của nhà trường. Công tác xây dựng kế hoạch luôn được thực hiện theo các quy trình, thủ tục, đảm bảo có sự tham gia ý kiến của đầy đủ các khoa, phòng, các tổ chức đoàn thể. Do đó việc triển khai thực hiện kế hoạch nhận được sự đồng thuận của toàn thể viên chức, người lao động.[1]
Thấm nhuần chỉ dạy của Bác, trong thi đua lãnh đạo cơ quan luôn quan tâm biểu dương những cá nhân, tập thể có thành tích đột xuất, có tinh thần trách nhiệm vượt lên trên khó khăn, thử thách, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Qua đó khích lệ, động viên tạo khí thế thi đua sôi nổi. Công tác tổng kết, sơ kết phong trào thi đua là biện pháp rất quan trọng, không thể thiếu trong tổ chức thi đua nhằm đánh giá đúng thành tích, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Thực hiện tốt hoạt động này nhằm đảm bảo quá trình khen thưởng được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ từ trên xuống dưới, đảm bảo đúng nguyên tắc và đạt được các yêu cầu: Chính xác, dân chủ, kịp thời, công khai, xây dựng được tinh thần đoàn kết phấn khởi, nêu cao tính tự phê bình và phê bình, đánh giá đúng người, đúng việc, không để xảy ra tình trạng chủ quan, đơn giản, tranh công, đổ lỗi. Đảm bảo vấn đề mấu chốt trong công tác sơ, tổng kết phong trào thi đua là đúc rút tìm ra được những kinh nghiệm hay, chọn được tập thể và cá nhân tiên tiến xuất sắc, đồng thời khen thưởng đúng mức để động viên mọi người phấn đấu thực hiện tích cực hơn nữa.
Bên cạnh đó lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo các khoa, phòng luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua. Nhiều tấm gương điển hình, tiên tiến, có tinh thần sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực trong công việc đã được tuyên dương, khen thưởng kịp thời. Đến nay, đã xây dựng được tập thể Trường và 16 cá điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua. Giai đoạn 2020 - 2025 có 01 viên chức đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”; 46 lượt viên chức đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; 180 lượt viên chức đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; 02 lượt viên chức được tặng Huân chương Lao động; 02 cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và trên 20 viên chức nhận Bằng khen của Bộ, ngành, tỉnh. Các đoàn thể có nhiều hoạt động thi đua thiết thực, đa dạng. Hàng năm Công đoàn cơ sở, hội chữ thập đỏ đều được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhận nhiều Bằng khen, giấy khen. Đây là những con số ấn tượng cho một giai đoạn với những bứt phá của nhà trường trên các mặt công tác,[2] trong đó có dấu ấn của nhiều cá nhân, tập thể tích cực thực hiện tốt các phong trào thi đua. Đặc biệt năm 2022 Trường Chính trị tỉnh Lào Cai là trường đầu tiên trên cả nước được công nhận đạt chuẩn mức 1, trở thành mô hình có sức lan toả, ảnh hưởng trong phạm vi cả nước. Đã có nhiều trường chính trị bạn đã đến thăm, làm việc, học tập cách làm của nhà trường.
Kết quả trên cho thấy các phong trào thi đua được cụ thể hóa và triển khai đúng hướng, việc xây dựng nội dung và mục tiêu thi đua phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Trường. Tổ chức tốt việc đăng ký, ký kết giao ước thi đua. Thực hiện tốt chương trình, kế hoạch và tổ chức phát động phong trào thi đua sôi nổi, nôi dung phong phú, thiết thực có trọng tâm, trọng điểm, phát huy tốt vai trò của các tổ chức đoàn thế trong phong trào thi đua.
Tuy nhiên cũng cần thấy rằng trong các phong trào thi đua vẫn còn có cá nhân chưa thực sự tích cực; việc gắn kết phong trào thi đua với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở một số viên chức chưa thật sự rõ nét; còn có khoa phòng lúng túng, thiếu cụ thể trong triển khai phòng trào; công tác tham mưu, theo dõi về thi đua, khen thưởng chưa có nhiều đổi mới, chưa được thực hiện khoa học, chưa có nhiều ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện nhiệm vụ này.
Có thể thấy rất rõ trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Lào Cai đã vận dụng đầy đủ, sáng tạo các chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thi đua, khen thưởng. Do đó hoạt động này đã được thực hiện kịp thời, chính xác, đảm bảo công khai, minh bạch, phát huy dân chủ gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, các phong trào thi đua, các hoạt động sơ kết, tổng kết hàng năm. Quy trình, thủ tục xét khen thưởng đã được cải tiến nhanh gọn, bảo đảm nguyên tắc, chất lượng. Chú trọng khen thưởng đối viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Những bài học kinh nghiệm được chỉ ra là:
- Một là, quán triệt đầy đủ tư tưởng của Bác Hồ về thi đua; bám sát chỉ đạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của tỉnh về công tác thi đua; tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng uỷ, coi thi đua là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là động lực phát huy nguồn lực của Trường trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Hai là, kết hợp tốt thi đua với khen thưởng, bảo đảm hài hòa giữa động viên tinh thần và khuyến khích lợi ích vật chất.
- Ba là, thường xuyên phát động các phong trào thi đua yêu nước phù hợp với nhiệm vụ chính trị của nhà trường; tiếp tục củng cố và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác, chú trọng và dành sự quan tâm đến viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác phục vụ.
- Bốn là, luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, lãnh đạo trường, các khoa, phòng và các tổ chức đoàn thể; thực hiện đúng quy trình khen thưởng và theo hướng dẫn của cấp trên.
Năm là, mỗi cá nhân viên chức. người lao động đều phải xác định rõ tầm quan trọng của các phong trào thi đua, tự mình phải tham gia đầy đủ, tích cực, có rách nhiệm, có tinh thần cống hiến vào mỗi phong trào, cùng chung tay xây dựng nhà trường.
Thi đua, khen thưởng là một biện pháp quan trọng thúc đẩy tính tích cực, động viên ý chí sáng tạo, ý chí quyết tâm, năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ viên chức, người lao động. Do đó để tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác vây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện, duy trì các tiêu chí chuẩn 1 và sớm đạt chuẩn 2 thì việc xây dựng và tổ chức các hoạt động thi đua thiết thực, hiệu quả cần tiếp tục được thực hiện tốt trong thời gian tới.
[1] Kế hoạch 468-KH/TCT ngày 22/9/2021 của Hiệu trưởng về xây dựng kế hoạch và nhân rộng điển hình tiên tiến giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 413-KH/TCT ngày 23/8/2021, về phong trào thi đua “ Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” trong công chức, viên chức, người lao động Trường Chính trị tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 422-KH/TCT ngày 30/8/2021 về phong trào thi đua “Cải cách hành chính” Trường Chính trị tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 626-KH/TCT ngày 18/4/2022; Triển khai thực hiện phong trào thi đua về chuyển đổi số của Trường Chính trị tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2022-2025
[2] Đã có 39 quy chế và hướng dẫn được ban hành trong giai đoan này. Các năm Trường đều hoàn thành vượt mức các kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đề ra; quy mô, chất lượng đào tạo đều tăng ít nhất từ 1,5 lần trở lên so với giai đoạn 2015 - 2020. Trong 5 năm đã thực hiện 03 đề tài khoa học cấp tỉnh, trong đó 01 đề tài được nghiệm thu đạt loại xuất sắc; và 02 đề tài đạt yêu cầu; thực hiện 32 đề tài khoa học cấp trường; 10 đề tài cấp khoa. tổ chức 33 hội thảo, toạ đàm các cấp, trong đó có 08 hội thảo cấp tỉnh, cấp khu vực; 23 hội thảo cấp trường; 02 hội thảo cấp bộ; 01 hội thảo cấp quốc gia; với trên 400 bài tham luận mang tính lý luận và thực tiễn cao. Đã xuất in ấn 32 kỷ yếu, xuất bản 10 đầu sách tham khảo, chuyên khảo, giáo trình nhằm phục vụ đầy đủ cho công tác dạy và học của nhà trường.