BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG NGƯỜI DAO Ở NGŨ CHỈ SƠN, SA PA
Ngũ Chỉ Sơn là địa bàn sinh sống của 5 dân tộc, trong đó dân tộc Dao có số dân lớn thứ hai, chiếm 36,3% dân số toàn xã. Người Dao nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đặc sắc, tiêu biểu cho văn hoá của người Dao Đỏ ở Sa Pa.
Thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 08/10/2020 của Thị uỷ Sa Pa về “Phát triển văn hoá, du lịch; xây dựng Khu du lịch trọng điểm quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế, giai đoạn 2020 - 2025”, ĐU, UBND xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân nói chung và đồng bào người Dao nói riêng về bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, cụ thể hoá các nội dung Đề án nhằm phù hợp và khai thác được sức mạnh từ các giá trị văn hoá của địa phương.
Hàng năm, xã Ngũ Chỉ Sơn phối hợp với các xã Tả Phìn, Trung Chải luân phiên tổ chức Ngày hội văn hoá của người Dao. Tại đây, những nghi lễ truyền thống như lễ như cấp sắc, lễ Pút tồng, nghi lễ đám cưới, hát dao duyên… được phục dựng và tái hiện trực tiếp bởi các thầy cúng, nghệ nhân đã góp phần tôn vinh giá trị văn hoá truyền thống đồng thời tạo không gian để người dân được giao lưu, kết nối cộng đồng. Năm 2025, Ngày hội văn hoá dân tộc Dao đã được tổ chức tại xã Ngũ Chỉ Sơn thu hút khoảng 15.000 lượt nhân dân và du khách tham gia. Không chỉ trong các dịp lễ hội, một số nghi lễ truyền thống như Lễ “Pút tồng” được duy trì tổ chức tại các nhà thờ của dòng họ ngày đầu năm để con cháu các nơi về tụ họp. Xã cũng duy trì đội văn nghệ của đồng bào người Dao với 20 thành viên, điểm ấn tượng là thành viên của đội đều có tuổi đời rất trẻ. Họ thường xuyên tham gia biểu diễn tại các lễ hội của xã, huyện, phục vụ trải nghiệm văn hoá tại các homestay…Các nghệ nhân người Dao ở địa phương cũng tích cực tập luyện và biểu diễn tại Festival Hoa hồng - Lễ hội đường phố, tái hiện chợ tình Sa Pa năm 2024; 30 nghệ nhân, diễn viên phối hợp tham gia Chương trình xúc tiến du lịch Sa Pa tại Hà Nội với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn.
Chữ Nôm Dao là 1 trong 41 di sản văn hoá phi vật thể của tỉnh Lào Cai, người Dao rất quan tâm đến việc trao truyền lại chữ viết cho con cháu. Việc dạy và học thường được các thầy có chức sắc, hiểu biết sâu về chữ Nôm Dao như thầy mo, thầy cúng… tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán, vì thời điểm này là mùa nông nhàn cũng là mùa Lễ hội với nhiều hoạt động tâm linh quan trọng trong năm của người Dao. Các lớp dạy chữ Nôm Dao thường diễn ra trong khoảng 01 tháng (tháng Giêng âm lịch), chiêu sinh từ 20-30 học trò, bao gồm những những người trẻ tuổi từ trẻ em 7-8 tuổi cho đến bậc trung niên đều có thể đăng ký và đóng góp tham gia học. Mỗi thôn người Dao có thể mở lớp và chiêu sinh học trò hoặc có thể mở theo cụm thôn. Từ năm 2023 đến nay, xã Ngũ Chỉ Sơn đã tổ chức mở 4 lớp học, thu hút khoảng 120 lượt học viên tham gia. Các lớp học này không chỉ giúp con cháu nắm vững chữ viết của dân tộc mình mà còn truyền dạy cho họ về ý thức cội nguồn, nếp sống, giáo dục phẩm chất con người.
Người Dao ở Ngũ Chỉ Sơn cũng rất coi trọng các nghề truyền thống. Hiện nay, hầu hết phụ nữ người Dao trong hơn 500 hộ gia đình trên địa bàn xã đều biết thêu trang phục truyền thống và chú trọng truyền dạy kỹ thuật này cho con gái. Trong đó có 20 hộ chuyên làm nghề may đo trang phục truyền thống người Dao, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và khách du lịch. Ngoài ra, một số nghề thủ công khác vẫn được phát triển như nghề rèn (8 hộ), nghề nhuộm vải Chàm (4 hộ), nghề đan lát (12 hộ). Trong dòng chảy hiện đại, các nghề thủ công truyền thống là sự hiện hữu của tri thức bản địa đồng thời góp phần đa dạng hoá sinh kế của người dân.
Với phương châm biến di sản thành tài sản, xã Ngũ Chỉ Sơn đã đẩy mạnh bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch. Xã hiện có 02 hộ kinh doanh dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao Đỏ, doanh thu ước tính khoảng 30-40 triệu/hộ/năm. Ngoài ra, có 4 hộ kinh doanh homestay, tạo không gian trải nghiệm văn hóa, ẩm thực và nghề truyền thống cho du khách, với doanh thu khoảng 20-30 triệu đồng/hộ/năm. Đây là hướng đi tiềm năng, không chỉ bảo tồn giá trị văn hóa mà còn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Trong tương lai, xã Ngũ Chỉ Sơn sẽ tiếp tục mở rộng mô hình du lịch cộng đồng, kết hợp với bảo tồn các nghề truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch nhằm thu hút thêm nhiều du khách, qua đó khẳng định vị thế của văn hóa người Dao trong chiến lược phát triển du lịch bền vững của địa phương cũng như Sa Pa.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Dao ở Ngũ Chỉ Sơn vẫn còn gặp không ít thách thức. Sự tác động của kinh tế thị trường khiến một số giá trị văn hóa dần mai một, trong khi đó, sự du nhập mạnh mẽ của các yếu tố văn hóa ngoại lai đã làm thay đổi lối sống của một bộ phận người Dao, đặc biệt là thế hệ trẻ. Không ít thanh niên người Dao ngày càng ít quan tâm đến bản sắc dân tộc, thiếu hiểu biết về các phong tục, tập quán truyền thống và có xu hướng hòa nhập nhanh với lối sống hiện đại mà thiếu đi sự chọn lọc. Một số hoạt động bảo tồn văn hóa hiện nay vẫn mang tính hình thức, chưa thực sự có chiều sâu và chưa tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Để nâng cao hiệu quả giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc Dao tại Ngũ Chỉ Sơn, trong thời gian tới cần có những giải pháp đồng bộ và bền vững. Trước hết, cấp uỷ, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức đa dạng nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc dân tộc.
Tăng cường tổ chức các hoạt động thực hành văn hóa, tạo môi trường để người dân, nhất là thanh niên, có cơ hội tiếp xúc và tham gia trực tiếp vào các nghi lễ, lễ hội, nghề thủ công truyền thống như Ngày hội văn hoá dân tộc Dao, các đội văn nghệ, câu lạc bộ văn nghệ tại 6 thôn có người Dao sinh sống; duy trì nhà thờ của dòng họ và các phong tục, tập quán gắn liền.
Phát huy vai trò chủ động của cộng đồng người Dao tham gia trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tham mưu cho các cơ quan chức năng đầu tư xây dựng không gian văn hóa cộng đồng, hỗ trợ nghệ nhân duy trì hoạt động truyền dạy, tạo cơ chế khuyến khích người trẻ học hỏi và thực hành văn hóa truyền thống…
Bên cạnh đó, quan tâm gắn kết bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng. Hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc Dao cho bà con trên địa bàn, phát triển các homestay, dịch vụ trải nghiệm văn hóa sẽ giúp quảng bá hình ảnh văn hóa Dao rộng rãi hơn. Cùng với đó xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, thực hiện quy ước và xây dựng đời sống văn hóa mới ở cộng đồng dân cư.
Dưới chân núi Ngũ Chỉ Sơn, cấp ủy, chính quyền, cộng đồng và người Dao đỏ ở địa phương đang chung tay bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng Ngũ Chỉ Sơn trở thành điểm đến đặc sắc của văn hóa người Dao, để văn hóa trở thành động lực thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế xã hội địa phương.