THỰC HÀNH CHUẨN MỰC “NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM, LÀM ĐI ĐÔI VỚI NÓI, ĐÃ NÓI LÀ LÀM” CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY
Có thể hiểu, “Nói” là phải nhận thức đúng và nói đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nhận thức đúng chức trách mà mình đảm nhận, nhất quán trong lời nói, không thể “nói” trong hội nghị, cuộc họp khác “nói” ngoài cuộc họp, hội nghị; cùng một vấn đề nhưng “nói” với người này khác khi “nói” với người khác. “Nói” còn đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải giữ đúng kỷ luật phát ngôn của Đảng, không được nói sai sự thật; không nói sai viết sai chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng; không đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; thông tin phiến diện, một chiều gây bất lợi cho tổ chức, cá nhân khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết “Chống thói ba hoa”[1] cũng có những chỉ dẫn đối với cán bộ đảng viên khi nói, nhất là cần tránh kiểu (1) “nói mênh mông” trời đất, nói gì cũng có, nhưng lại không nói đến những việc thiết thực, những việc mà dân cần biết, cần hiểu, cần làm; (2) “nói theo nếp cũ”, là bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu cũng khư khư giữ theo nếp cũ, “mặc định” theo một mô típ có sẵn trong tư duy hoặc trong bài phát biểu đã được soạn sẵn. Kết quả là những việc thiết thực, việc đáng bàn thì lại không bàn đến; (3) “nói không ai hiểu”, những vấn đề chuyên môn, học thuật, vấn đề vĩ mô được nói, viết nhưng đại chúng không xem được, không hiểu được. Vì họ không nói cách nói của quần chúng, không viết cách viết của quần chúng, không hiểu quần chúng.
Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng đảng hiện nay khi “Nói” còn là biết thật thà tự phê bình, nhận khuyết điểm khi có sai sót; phải biết phản bác, đấu tranh với những quan điểm sai trái, những luận điệu phản động của các thế lực thù địch để bảo vệ đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hai là, đối với “Làm”, tức là hành động, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên trên cơ sở nhận thức đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chức trách, nhiệm vụ cụ thể phải cố gắng tổ chức thực hiện tốt những gì đã “nói” khi tuyên thệ, tiếp xúc cử tri, cam kết hoặc đã hứa. “Làm” ở đây phải thực sự hiệu quả, không thể làm qua loa, làm lấy lệ, cho có. “Làm” phải cho đúng với quy định của Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước, phải đặt lợi ích của Nhà nước, tập thể lên trên lợi ích của cá nhân.
Ba là, “Nói đi đôi với làm” tức là phải dấn thân, gắn liền với hành động, là sự nhất quán giữa “nói “và “làm”. “Nói đi đôi với làm” đối lập với những biểu hiện: “nói không làm”; “nói nhiều, làm ít”, “nói một đằng làm một nẻo”, thổi phồng thành tích, háo danh và bệnh quan liêu mệnh lệnh. Trong bài viết “Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh” [2], Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: [“Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ]. Vì vậy người cán bộ đảng viên phải mắt trông, tai nghe, miệng nói, tay làm chứ không phải chỉ nói suông, “nói” gắn liền với “làm”, học phải đi đôi với hành, lý luận phải gắn với thực tiễn; phải cương quyết phê bình những cán bộ, đảng viên hay nói suông, nói không làm; nêu gương, vinh danh những cán bộ, đảng viên thực hiện tốt chuẩn mực “nói đi đôi với làm”, bởi một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.
Bốn là, “Làm đi đôi với nói, đã nói là làm” đây là tiêu chí, là thước đo để đánh giá phẩm chất, năng lực và uy tín của người cán bộ, đảng viên, thể hiện vai trò tiên phong gương mẫu; cán bộ đảng viên phải làm mực thước cho quần chúng noi theo, đồng thời phải biết hướng dẫn, giải thích, tuyên truyền cho quần chúng nhân dân biết và thực hiện; đồng thời thể hiện sự kiên định, bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên trong “nói” và “làm”. “Làm đi đôi với nói, đã nói là làm” là sự nêu gương thuyết phục nhất của cán bộ đảng viên và “Đó là cách làm công tác xây dựng Đảng rất tốt”[3].
Để thực hành tốt trên thực tế chuẩn mực “Nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói, đã nói là làm”, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, thấm nhuần sâu sắc nguyên tắc “Nói đi đôi với làm”; phải nhận thức đúng nội dung của “Nói” và “Làm”; nhận thức đúng chức trách, nhiệm vụ; mỗi công việc được giao đều phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, tiến độ, khối lượng và chất lượng để thực hiện có kết quả cao nhất.
Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu để thấm nhuần đạo đức cách mạng, khắc phục tình trạng lười học tập lý luận chính trị, nghiêm túc nghiên cứu, học tập lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trên cơ sở đó nói đúng, phát ngôn đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai, nghiêm túc học tập và vận dụng tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ‘‘Nói đi đôi với làm’’, luôn phải gương mẫu đi đầu thực hành trong các phong trào, thì chắc chắn chúng ta sẽ từng bước ngăn ngừa, khắc phục được các biểu hiện nói không làm, nói nhiều, làm ít, …
Thứ ba, cần phải thực hiện nghiêm việc nêu gương bằng những việc làm, hành động cụ thể, với phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học tập đi đôi với làm theo” tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ người lãnh đạo cấp cao đến cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở.
Đồng thời thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đặc biệt chú trọng thực hiện đầy đủ các nội dung của Quy định 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị.
Thực hành đạo đức “Nói đi đôi với làm” là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức đảng, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục để giữ vững, phát huy trên thực tế, từ đó góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.303-305
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd., t.6, tr.292-293
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.212-213