image banner
LUẬT CĂN CƯỚC NĂM 2023 VỚI NHIỀU QUY ĐỊNH MỚI
Lượt xem: 36
Nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, giảm phiền hà, giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của người dân, góp phần đấu tranh phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự xã hội, năm 2014 Luật Căn cước công dân đã được Quốc hội ban hành. Cho đến nay, Bộ Công an đã tiến hành cấp hơn 98 triệu số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc đang có trên hệ thống. Đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân. Cũng đã có gần 80 triệu thẻ căn cước công dân được cấp cho người đủ điều kiện. Việc kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang phục vụ cho rất nhiều hoạt động của xã hội.

Tuy nhiên qua thực tế cho thấy Luật căn cước công dân năm 2014 còn nhiều bất cập như chưa có quy định về khai thác, sử dụng các thông tin trên thẻ căn cước (bao gồm thông tin  về căn cước và các thông tin giấy tờ khác như thẻ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe…được tích hợp vào thẻ căn cước qua chip điện tử và mã QR code), do đó việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ tiện ích của thẻ căn cước vào giao dịch dân sự, thực hiện chuyên đổi số… chưa đồng bộ. Việc giới hạn cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân chỉ bao gồm một số nhóm thông tin đã làm giảm đi tính ứng dụng trọng tiện ích của thẻ căn cước công dân và định danh điện tử công dân, gây khó khăn cho việc thiết lập bản đồ dân cư. Luật này cũng không quy định cấp số định danh cá nhân cho người gốc Việt đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch nên bản thân họ tham gia các giao dịch dân sự, các dịch vụ công nhất là các dịch vụ thiết yếu rất khó khăn, công tác quản lý nhà nước với nhóm người này cũng thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó cũng còn nhiều bất cập khác như luật chưa có quy định chuyển tiếp việc sử dụng một số loại giấy tờ để đảm bảo việc sử dụng, thay thế từ chứng minh thư nhân dân sang thẻ căn cước dẫn đến việc công dân phải tiến hành nhiều thủ tục khi giao dịch, hay việc chưa có quy định về tài khoản định danh điện tử đối với tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử… Những bất cập đó đòi hỏi phải sửa đổi Luật căn cước công dân năm 2014 để ban hành luật mới bao quát, đầy đủ, hiện đại, khả thi, dễ tiếp cận.

Với mục đích Luật Căn cước phải phục vụ thiết thực cho việc giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, xây dựng công dân số, đảm bảo việc kết nối, khai thác, làm giàu dữ liệu dân cư và phục vụ tốt chất cho công tác quản lý nhà nước đối với dân cư, do đó việc sửa đổi những bất cập của Lật Căn cước công dân năm 2014 là yêu cầu tất yếu, khách quan. Ngày 27/11/2023 Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật căn cước với 7 chương, 46 điều thay thế cho Luật Căn cước công dân trước đây. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Có nhiều quy định mới, khắc phục triệt để những bất cập đã được chỉ ra của Lật căn cước công dân năm 2014. Khi chính thức có hiệu lực, những quy định này sẽ làm thay đổi và tác động lớn đến từng cá nhân công dân. Một số điểm mới đáng lưu ý là: Đổi tên Thẻ căn cước công dân thành Thẻ căn cước, trong đó sẽ bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước, thay vào đó là thông tin nơi đăng ký khai sinh hoặc nơi sinh và nơi cư trú. Nhằm hạn chế sự phiền hà cho người dân trong việc đổi thẻ căn cước, Luật quy định công dân có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước (không bắt buộc phải đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước khi thẻ đó vẫn còn thời hạn);

Nhiều thông tin sinh trắc học cũng sẽ được bổ sung trong dữ liệu công dân. Ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của công dân được mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước. Dữ liệu về nhóm máu, ADN, giọng nói cũng được thu thập trong dữ liệu cơ sở quốc gia về dân cư (khi người dân tự nguyện).

Bổ sung quy định công dân Việt nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu. Cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, hiện đang sống tại Việt Nam, không có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt nam nhưng có cùng dòng máu về trực hệ với người đã có quốc tịch Việt Nam, mà đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã ( xác định theo nguyên tắc huyết thống), Ngoài ra thời gian cấp, đổi thẻ căn cước được rút ngắn xuống 7 ngày. Giấy chứng minh nhân dân chỉ sử dụng đến hết ngày 31/12/2024, như vậy luật đã chính thức “khai tử” loại giấy tờ này.

Từ 1/7/2024, công dân sẽ có căn cước điện tử. Đây là căn cước được thể hiện qua tài khoản định danh điện tử, luật cũng quy định rõ tại điều 33: (1) Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân. (2) Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.

Việc ban hành Luật căn cước năm 2023 được kỳ vọng là sẽ đáp ứng được xu thế phát triển của xã hội, hỗ trợ triệt để việc xây dựng cơ sở dữ liệu và phục vụ cho công tá quản lý dân cư. Luật được thực hiện cũng góp phần quan trọng cho mục tiêu xây dựng công dân số. Các quy định của luật cũng đã tiệm cận với cá quy chuẩn chung của quốc tế về lĩnh vực này. Nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trong đó có các giảng viên Trường Chính trị là phải tuyên truyền sâu, rộng các quy định của Luật đến người dân.

ThS. Lưu Thị Sim, Phó Hiệu trưởng
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
image banner