image banner
THỂ CHẾ QUY ĐỊNH CỦA ĐẢNG VỀ BẢO VỆ CÁN BỘ DÁM NGHĨ, DÁM LÀM
Lượt xem: 115
Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là một vấn đề không mới, vì từ khi ra đời đến nay Đảng ta đã có nhiều quy định về vấn đề này. Tuy nhiên những năm gần đây, khi công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thực hiện với quan điểm kiên quyết, kiên trì, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Để hạn chế biểu hiện đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo chúng ta cần có đủ các quy định, đặc biệt là thể chế.

Thực hiện thành công đường lối đổi mới và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Đảng ta chỉ rõ “cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.”[1]

Thời gian qua, Thủ tướng đã ban hành rất nhiều chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời Chính phủ đã có nhiều công điện để tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong hệ thống hành chính nhà nước. Bộ Nội vụ đã tham mưu giải quyết vấn đề này với 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó, nhóm về tư tưởng, nhận thức là giải pháp hàng đầu nhằm đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng về tinh thần, việc thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, pháp luật liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm, nhiệm vụ mà công chức phải thực hiện. Tại các diễn đàn của Quốc hội, các phiên họp Chính phủ và lãnh đạo các địa phương đều thống nhất việc phải xóa bỏ nhận thức "không làm thì không sai, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước tòa". Đây là nhận thức rất nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn cho việc thực hiện công vụ, chức trách nhiệm vụ của cán bộ, công chức.

Để có căn cứ pháp lý, tạo sự thuận lợi, yên tâm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ. Thể chế quan điểm của Đảng, ngày 9 tháng 9 năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đây là bước đột phá về tư duy trong công tác xây dựng pháp luật vì quy định để giải quyết vấn đề khó, nhạy cảm nên Nghị định 73 là căn cứ pháp lý quan trọng hướng dẫ cụ thể các nguyên tắc, nội dung, quy trình để những sáng kiến, sáng tạo được công nhận và bảo vệ.

Nghị định đã làm rõ các vấn đề lâu nay còn chưa thống nhất trong nhận thức bằng việc chỉ rõ đối tượng áp dụng và các hành vi được bảo vệ đó là:

Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, viên chức quản lý, người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung. Vì lợi ích chung là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, cộng đồng, của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị mà không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, không có động cơ vụ lợi. Đây là những người có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn.

Để được bảo vệ cán bộ thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện như: đề xuất cán bộ đưa ra phải có khả năng tháo gỡ, giải quyết điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và giải quyết hiệu quả vấn đề được đề xuất; Vì lợi ích chung, đem lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị; Xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn; không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị khác; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.

Nhiều vấn đề cần rất được lưu tâm khi thực hiện Nghị định như việc thực hiện các trình tự, thủ tục đề xuất và phê duyệt đề xuất đổi mới, sáng tạo. Theo đó cán bộ có ý tưởng đổi mới sáng tạo phải xây dựng kế hoạch, gửi đến người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ để xem xét, quyết định. Nếu là kế hoạch của người đứng đầu cơ quan thì gửi lên người đứng đầu cơ quan lãnh đạo cấp trên để xem xét quyết định. Trong thời hạn quy định, người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ phải chủ trì họp tập thể lãnh đạo để xem xét, thảo luận, biểu quyết và thành lập. Đề xuất được thông qua khi đạt tỷ lệ trên 50% ý kiến biểu quyết tán thành. Nếu đề xuất có phạm vi tác động rộng, phức tạp thì thủ trưởng cơ quan phải thành lập Hội đồng đánh giá đề xuất để quyết định. Khi đề xuất được hoàn thành, cán bộ đưa ra đề xuất phải báo cáo đầy đủ, trung thực bằng văn bản và thủ trưởng cơ quan phải tổ chức họp thẩm định công nhận kết quả. Sau đó báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp về kết quả cuộc họp tập thể lãnh đạo. Người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ, trên cơ sở ý kiến của cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp, ban hành văn bản công nhận kết quả thực hiện đề xuất.

 Đề xuất đổi mới, sáng tạo được đánh giá là hoàn thành nếu đạt tỷ lệ trên 50% ý kiến thành viên Hội đồng biểu quyết tán thành, khi đó cán bộ sẽ được áp dụng nhiều chính sách khuyến khích như tuyên dương, khen thưởng, đánh giá xếp loại, bổ nhiệm, nâng ngạch, luân chuyển…Trường hợp đề xuất đổi mới, sáng tạo được đánh giá là không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra thì phải nêu rõ lý do và nếu được cơ quan sử dụng cán bộ đánh giá thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan. Đây chính là biện pháp quan trọng để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời pháp luật cũng đề ra những biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách, biện pháp khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Quy định của pháp luật đã có, các cơ quan, tổ chức cần tuyên truyền sâu, rộng để cán bộ, công chức biết, hiểu và làm đúng các quy trình, thủ tục trên tinh thần cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ.



[1] Kết luận Số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung

ThS. Trần Nhi Hoà, Giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
image banner