image banner
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SOẠN GIẢNG QUA HOẠT ĐỘNG RÚT KINH NGHỆM MÔN HỌC
Lượt xem: 249
Soạn bài, giảng bài và sau đó tổ chức rút kinh nghiệm là hoạt động cần thiết giúp giảng viên và khoa chuyên môn chia sẻ, thống nhất các nội dung của các chuyên đề trong mỗi phần học. Đây là hoạt động được Trường Chính trị tỉnh Lào Cai duy trong 03 năm gần đây.

Thực hiện quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2026”.  Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai Đề án 797 về tổ chức biên soạn bộ giáo trình Trung cấp lý luận chính trị bao gồm 10 cuốn được áp dụng thống nhất giảng dạy trong các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Căn cứ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, chuyên môn, chuyên ngành, lãnh đạo Trường Chính trỉnh Lào Cai đã ban hành phương án giảng dạy chương trình Trung cấp lý luận chính trị cũng từ đó các khoa chủ động phân công giảng viên soạn giảng vì chương trình mới nên sau khi các giảng viên hoàn thiện việc soạn bài, khoa chuyên môn đã tổ chức dự giờ nghe giảng, thông bài theo phần học, sau khi có sự trao đổi, thảo luận, thống nhất ở khoa, giảng viên soạn giảng đã chủ động trình kế hoạch chi tiết bài giảng lên lãnh đạo Trường duyệt trước khi lên lớp.

Qua quá trình thực hiện giảng dạy trực tiếp chương trình trung cấp lý luận chính trị từ năm 2021, Đảng ủy, lãnh đạo Trường chỉ đạo các khoa tổ chức rút kinh nghiệm phần học nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy. Từ quý I năm 2023 cho đến hết tháng 01 năm 2024 sau khi các khoa đã thực hiện giảng dạy các phần học được phân công đảm nhận ở ít nhất 02 lớp, lãnh đạo chỉ đạo và trực tiếp dự việc rút kinh nghiệm về soạn và giảng toàn bộ chương trình. Theo đó các khoa Xây dựng Đảng, Lý luận Mác - Lênin và Nhà nước và pháp luật tiến hành rút kinh nghiệm cho 11 môn học.

Việc rút kinh nghiệm được thực hiện theo trình tự: những giảng viên đều được trực tiếp soạn và giảng, nêu các vấn đề cần lưu ý về nội dung, thời gian, phương pháp khi giảng dạy. Sau đó tập thể khoa cùng trao đổi, thêm các nội dung của từng phần, trong bài cần tập trung vào vấn đề gì, có thể sử dụng phương pháp gì và chủ đề thảo luận gì là phù hợp cho đối tượng học viên của từng lớp. Đặc biệt, hiện nay trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị có sự trùng lặp về nội dung của các phần học, thậm chí là các bài trong cùng phần học nên vấn đề này thường được quan tâm, chia sẻ và thống nhất nhiều hơn. Sau đó đến đề xuất, kiến nghị được nêu, lãnh đạo khoa tổng hợp và lãnh đạo Trường sẽ kết luận chỉ đạo thực hiện thống nhất chung cho cả phần học.

Qua các buổi rút kinh nghiệm, những vấn đề thường được trao đổi nhiều thường là phân chia thời gian cho từng phần học cần tăng lên hay giảm đi, phương pháp giảng dạy và hệ thống câu hỏi, các nội dung trùng ở môn học trước, bài trước cần xử lý theo hướng nào. Nhiều vấn đề được giảng viên tranh luận sôi nổi, tìm ra hướng đi chung, giải pháp tốt nhất để đảm bảo bài giảng chất lượng, hấp dẫn. Qua đó mỗi giảng viên sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức, mỗi bài giảng sẽ được thiết kế khoa học hơn, cập nhập nhiều thông tin hơn.

Là hoạt động có ý nghĩa, cần được duy trì hằng năm, lãnh đạo Trường chỉ đạo các khoa và giảng viên cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, cần tuân thủ kế hoạch giảng dạy do lãnh đạo nhà trường phê duyệt (như thời gian, phương pháp, chủ để thào luận, v.v.)

Thứ hai, yêu cầu đối với các giảng viên tham gia giảng dạy trực tiếp cần đọc, nghiên cứu kỹ và sâu hơn những vấn đề có liên quan tới những bài giảng do Khoa đảm nhận. Cần đầu tư thời gian nghiên cứu cả chương trình để có cái nhìn tổng thể, bao quát khi giảng dạy, tránh những phần kiến thức trùng lắp.

Thứ ba, tăng cường đưa phương pháp giảng dạy tích cực vào giảng dạy để giúp cho các bài giảng có sự lối cuốn, có tính hiêụ quả đối với người học.

Thứ tư, đẩy mạnh việc dự giờ để tiếp tục rút kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng cho từng bài giảng.

Rút kinh nghiệm môn học là hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy trong đào tạo trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị, thực tiễn cho thấy sau khi thực hiện rút kinh nghiệm môn học giúp các khoa, giảng viên chủ động trong phương án giảng dạy, mẫu chuẩn của một giờ giảng, thời gian, nội dung, phương pháp nhằm đáp ứng đối tượng học viên sao cho phù hợp, đồng thời đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

ThS. Bùi Thị Phương Mai, Giảng viên chính Khoa Xây dựng Đảng
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
image banner