MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG CÔNG TÁC GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ HIỆN NAY Ở LÀO CAI
Giáo dục lý luận chính trị là quá trình truyền thụ, tiếp thu hệ thống tri thức lý luận chính trị, hoạt động đem đến cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân những hiểu biết về quy luật phát triển của xã hội, về thế giới quan, nhân sinh quan, đường lối chủ trương chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước, để từ đó vạch ra cho mình tư tưởng, lối sống, hoài bão, ý chí, nguyện vọng, những nguyên tắc chuẩn mực đạo đức để gạt bỏ cái cũ, tiếp thu có chọn lọc cái mới.
Nhiều kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị trong thời gian qua
Những năm qua, Đảng bộ tỉnh Lào Cai luôn dành sự quan tâm, chăm lo, chú trọng đến công tác giáo dục lý luận chính trị. Nhiều giải pháp thiết thực đã được các cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện tạo ra những thay đổi tích cực từ phía người dạy, người học để đem lại hiệu quả thực chất. Đảng bộ tỉnh đã bám sát các mục tiêu, yêu cầu theo tinh thần của Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về việc “Tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”; Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới” và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập lý luận chính trị.
Do đó việc triển khai học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có nhiều đổi mới. Các hình thức học tập, kiểm tra chất lượng học tập đa dạng học tập bằng hình thức hội nghị trực tiếp tại hội trường kết hợp với trực tuyến đến cơ sở để đông đảo cán bộ, đảng viên học tập. Mã QR Cord kết hợp với đánh giá nhận thức của người học được triển khai triệt để. Việc tổng kết, sơ kết các quy đinh của Đảng về học tập lý luận chính trị được thực hiện nền nếp.
Trong hệ thống giáo dục, các bộ môn giáo dục đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục kinh tế - pháp luật được ngành giáo dục triển khai theo đúng quy trình, quy định. Hằng năm tổ chức bồi dưỡng chính trị hè cho đội ngũ cán bộ quản lý ngành giáo dục với nội dung mới, có tính cập nhật, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Chương trình giáo dục địa phương được thực hiện đầy đủ, đều đặn, qua đó giúp học sinh có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, địa lý, văn hóa địa phương, từ đó, làm giàu thêm vốn tri thức, hiểu biết và gắn kết tình yêu quê hương. Năm 2024, đã biên soạn, xuất bản 02 cuốn tài liệu lịch sử, tài liệu địa lí tỉnh Lào Cai làm tài liệu tham khảo sử dụng trong các trung tâm chính trị, các trường chuyên nghiệp và trong hệ thống giáo dục phổ thông của tỉnh.
Hội thảo khoa học "Giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh Lào Cai"
Tại Trường chính trị tỉnh, các Trung tâm Chính trị cấp huyện, các trường chuyên nghiệp trên đại bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới trong công tác dạy và học lý luận chính trị theo phương châm “Lấy người học làm trung tâm”. Phương pháp giảng dạy tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin vào giờ giảng, sự tương tác gữa người dạy và người học được chú trọng. Việc đào tạo nâng cao trình độ, chất lượng cho đội ngũ giảng viên được đặc biệt quan tâm. Các hoạt động thăm lớp, dự giờ, thi giảng viên giỏi, lấy phiếu phản hồi của người học được thực hiện hàng năm. Qua đó mỗi giảng viên đều học hỏi được thêm kiến thức, kỹ năng để phục vụ tốt hơn cho nghề nghiệp, khẳng định vị thế của cá nhân khi hành nghề. Hình thức đánh giá kết quả học tập được điều chỉnh thường xuyên trên nguyên tắc đảm bảo đánh giá khoa học, chính xác chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và tuân thủ các quy định, quy chế. Nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế được thực hiện theo phương châm tạo cơ hội để giảng viên có môi trường thực hành góp phần phát triển tư duy sáng tạo, khả năng làm việc độc lập, trau dồi kinh nghiệm, tri thức và các phương pháp nhận thức khoa học, rèn luyện các phương pháp và kỹ năng nghiên cứu, cũng là giúp giảng viên củng cố và mở rộng kiến thức; mở rộng mối quan hệ và các mạng lưới nghiên cứu mở rộng kiến thức về các chuyên ngành, lĩnh vực khác.
Công tác giáo dục lý luận chính trị còn nhiều vấn đề đặt ra
Thứ nhất, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện lười học, ngại học chính trị, chỉ thuần túy quan tâm đến chuyên môn nên chưa chủ động, tích cực tham gia học tập, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Trong các đợt học tập ít ghi chép mà tranh thủ làm việc chuyên môn, làm việc riêng, lướt điện thoại. Công tác chỉ đạo, quản lý, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng có nơi còn bị buông lỏng. Đa số đại biểu đi nghe nghị quyết chứ chưa phải đi học nghị quyết, thậm chí có người dự cho có mặt, để điểm danh, ghi tên.
Thứ hai, Do đặc thù của các môn chính trị thường có tính trừu tượng cao, nhiều nội dung có tính hàn lâm, nếu giáo viên chưa tích đủ “lượng” để chuyển thành “ chất”, chưa vận dụng linh hoạt các phương pháp để thực tiễn hóa kiến thức lý luận sẽ dẫn đến nhàm chán, sáo rỗng, khó tiếp thu. Khi bài học nặng về lý luận, không có sự vận dụng thực tiễn để luận giải thì sẽ dẫn đến các tiết học kinh viện chủ nghĩa, khô khan, thiếu sự lôi cuốn, hấp dẫn, người học khó tiếp thu. Trong suy nghĩ của một bộ phận giáo viên phổ thông còn coi các môn đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục kinh tế - kỹ thuật là môn phụ nên cũng chưa dành thời gian, tâm sức để đầu tư nghiên cứu thỏa đáng, thậm chí việc giảng dạy ở một số nơi do thiếu giáo viên nên phân công giáo viên một số bộ môn dạy thay. Việc bổ sung, cập nhật kiến thức mới, thay đổi phương pháp tiếp cận bài giảng chậm được đổi mới.
Thứ ba, hoạt động đánh giá sau đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị, các Trung tâm Chính trị và các Trường chuyên nghiệp chưa được chú trọng nên việc nắm bắt mức độ hài lòng về quá trình đào tạo, sự vận dụng kiến thức đã được học của sinh viên, học viên vào thực tế hiệu quả ở mức độ nào… chưa được thực hiện. Bên cạnh đó các nhà trường cũng chưa có nhiêu hoạt động, cách thức để gắn việc học với hành, từ đó phát huy vai trò của người học trong các hoạt động chung của xã hội, của tỉnh và của nhà trường.
Thứ tư, trong hệ thống giáo dục, nhiều học sinh, sinh viên cho rằng các môn lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân hiện nay là môn phụ (môn tự chọn), không mấy quan trọng, nên họ ít quan tâm, không đầu tư thời gian, công sức xứng đáng; Tại các nhà trường có những học viên đi học lý luận chính trị là vì bằng cấp chứ không phải do nhu cầu tự thân nên chưa nghiêm túc trong quá trình học tập, thâm chí vi phạm quy chế học tập.
Cần giải pháp gì để việc giáo dục lý luận chính trị được thực hiện tốt hơn,
Nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của học tập lý luận chính trị coi đây vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quy định về học tập lý luận chính trị trong Đảng, tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa cách thức tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tế và đối tượng người học. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương học tập, đánh giá nhận thức và hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng.
Bên cạnh đó các nhà trường, bản thân mỗi giáo viên, giảng viên khi thực hiện nhiệm vụ phải tận tâm, luôn có ý thức, trách nhiệm trong việc đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị. Phải quán triệt rõ phương châm lý luận gắn với thực tiễn, phục vụ nhu cầu công tác, học tập của cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên; mục tiêu cuối cùng là tạo ra sự thay đổi tích cực cho người học về thái độ, hành vi và hiệu quả lao động, học tập, công tác. Khắc phục cho được tình trạng học “được chăng hay chớ”, học qua loa, đại khái, học cho xong theo lối “đánh trống ghi tên”.
Cần tăng cường các hoạt động bổ trợ để khắc phục tư tưởng ở người dạy và người học coi các môn chính trị, đạo đức, giáo dục công dân là môn phụ, coi thường và học, dạy cho qua, cho có, chỉ chú tâm vào các môn chính mà coi nhẹ các môn chính trị. Đa dạng hoá các hình thức hoạt động giáo dục đạo đức, giáo dục công dân thông qua giờ chào cờ, qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; nhằm hình thành cho học sinh truyền thống yêu nước, tôn sư trọng đạo, có phẩm chất, năng lực, tư duy sáng tạo; biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống, điều chỉnh các hành vi đạo đức, lối sống.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ giảng viên, giáo viên giảng dạy lý luận chính trị cả về phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn phải được thực hiện quyết liệt. Đội ngũ giảng viên, giáo viên phải thường xuyên trau dồi, tu dưỡng, rèn luyện, cập nhật kiến thức để có trình độ kiến thức lý luận chính trị sâu sắc, kiến thức thực tiễn sâu rộng, phong phú, năng lực sư phạm tốt, phương pháp truyền đạt hấp dẫn để cuốn hút người học, góp phần khắc phục bệnh lười học, ngại học chính trị của người học. Cần tạo cơ hội dể giảng viên dạy lý luận chính trị được tham gia các đợt học tập ở nước ngoài để có cơ hội tiếp cận với tri thức, phương pháp đào tạo hiện đại.
Các cấp uỷ Đảng, các cơ quan quản lý nhà nước, có trách nhiệm cần đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả chất lượng đào tạo, bồi dưỡng bồi dưỡng. Đặc biệt quan tâm khâu đánh giá sau đào tạo, bồi dương để kịp thời có sự điều chỉnh về hình thức, nội dung, phương pháp tổ chức dạy và học đáp ứng nhu cầu thực tế. Kiên quyết không để xảy ra lãng phí trong học tập lý luận chính trị. Đối với học sinh, sinh viên bên cạnh việc đánh giá qua điểm số các bài kiểm tra, bài thu hoạch thì việc đánh giá kỹ năng, khả năng vận dung, xử lý các tình huống, sự chuyển biến về tư tưởng, đạo đức, lối sống, hành vi của người học là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Để đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị thì bản thân người dạy, người học đều phải nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi của mình khi tham gia vào quá trình đó và tận tâm, mẫn cán với nhiệm vụ đó.