NÂNG CAO VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐẢNG VIÊN TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Đảng viên phải tiên phong, gương mẫu trong phòng, chống tham nhũng
Ở Việt Nam, trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng được xác định là một trụ cột trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Trong cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một việc làm cần thiết, tất yếu, là một xu thế không thể đảo ngược”[1].
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định, đảng viên có nhiệm vụ: “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao... đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác...; tuyên truyền vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”[2]. Như vậy, theo quy định của Điều lệ Đảng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của đảng viên là phải đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là: Nâng cao vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải cam kết về sự liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Các cấp ủy quản lý chặt chẽ đảng viên, cán bộ; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, ngăn ngừa và phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Thực tế cho thấy, bên cạnh nhiều gương cán bộ, đảng viên, nhân dân, kể cả đảng viên đã nghỉ hưu, dũng cảm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, vẫn còn nhiều đảng viên, nhất là đảng viên là cán bộ, công chức, chưa nhận thức đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ quan trọng này. Hoặc tuy nhận thức đúng nhưng vì nhiều lý do (không muốn ảnh hưởng đến thành tích của cơ quan, đơn vị, có biểu hiện bao che cho cấp dưới vi phạm, sợ ảnh hưởng, liên lụy đến bản thân...) nên đã không phát huy hết ý thức, trách nhiệm của mình trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Mặt khác, số vụ việc tham nhũng hiện nay được phát hiện qua đấu tranh phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ ngay tại cơ sở rất ít; chủ yếu là từ các kênh thông tin khác, như: phản ánh, tố giác, tố cáo của nhân dân, qua các cơ quan báo chí, qua công tác thanh tra, kiểm tra... Nguyên nhân là do đảng viên chưa nêu cao ý thức phê bình và tự phê bình vì sợ bị trả thù, trù dập, bị quy kết là làm mất đoàn kết, gây rối nội bộ. Điều đó đòi hỏi cần có biện pháp nêu cao ý thức trách nhiệm tự phê bình và phê bình của đảng viên, nhất là đảng viên là cán bộ, công chức, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể… các cấp.
Các giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Trong giai đoạn hiện nay, để tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đảng viên về công tác phòng, chống tham nhũng.
Phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phải bằng nhiều hình thức, biện pháp thiết thực, gắn tuyên truyền nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước với các tấm gương tiêu biểu, dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; trước hết là tuyên truyền Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tiếp tục đưa việc tuyên truyền, học tập nghị quyết và các luật, văn bản quy phạm pháp luật nói trên vào nội dung chương trình học tập, nghiên cứu của các lớp bồi dưỡng đảng viên mới, các kỳ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy để đảng viên là cán bộ, công chức thảo luận, nắm vững và nêu cao ý thức, trách nhiệm. Phát động phong trào đảng viên học tập, làm theo tấm gương dũng cảm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực đã được Đảng, Nhà nước biểu dương, khen thưởng, gắn với việc thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hai là, từng đảng viên, nhất là đảng viên là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội phải thực sự gương mẫu, nêu gương, nêu cao vai trò, trách nhiệm đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Nghị quyết Đại hội XIII đã có những bước phát triển mới trong quan điểm, chủ trương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đưa ra những giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Một trong những giải pháp đó là đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên: “Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng”[3]. Vì vậy, mỗi đảng viên cần thực hiện nghiêm chỉnh Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Quy định về những điều cán bộ, công chức không được làm; việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, trọng liêm sỉ, danh dự, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, đảng viên là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức không được để người thân thực hiện các dự án, sản xuất, kinh doanh những ngành, nghề thuộc phạm vi hoặc lĩnh vực do mình trực tiếp phụ trách, quản lý; đưa nội dung đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trở thành một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm, tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ, công chức là đảng viên. Đồng thời vừa phải gương mẫu không tham nhũng, vừa phải nêu cao vai trò tiên phong, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, đơn vị, cơ quan, tổ chức do mình trực tiếp phụ trách; chỉ đạo xử lý kiên quyết, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; mặt khác, cũng phải tự giác nhận trách nhiệm khi để địa phương, đơn vị, cơ quan, tổ chức do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên phải được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều đó không thể tự nhiên mà có, mà phải do chính người cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày, thông qua quá trình phấn đấu không ngừng. Do vậy, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đòi hỏi Đảng phải ra sức củng cố đội ngũ, nâng cao vai trò, trách nhiệm và uy tín đảng viên. Trong đó, điều quan trọng nhất là uy tín của đảng viên trong thời kỳ mới, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ là đảng viên phải thể hiện được vai trò tiên phong, gương mẫu.
Ba là, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm trong việc động viên gia đình, người thân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Mỗi đảng viên cần tuyên truyền tới người thân trong gia đình kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và của các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh; kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm, nhằm góp phần tạo niềm tin của mọi người đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đồng thời động viên người thân trong gia đình gương mẫu chấp hành nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ sống còn để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, phục vụ nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Chúng ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh. Để công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng hiệu quả, phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.
Tài liệu tham khảo:
(1) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2023, tr.13
(2) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.8-9
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.183.