image banner
SUY NGHĨ VỀ THỰC HIỆN “7 DÁM” – CỦA CÁN BỘ ĐẢNG VIÊN Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỪ GÓC ĐỘ LÝ LUẬN NHẬN THỨC
Lượt xem: 6707

Lý luận về nhận thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng chỉ ra rằng, nhận thức của con người được hình thành, phát triển gắn với quá trình phát triển của thực tiễn. Trong quá trình nhận thức về sự vận động của thế giới khách quan, thông qua hoạt động thực tiễn của mình, con người nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về thế giới khách quan, thực hiện các hoạt động thực tiễn thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Chính trong quá trình tham gia vào hoạt động thực tiễn bản thân con người và nhận thức của con người ngày càng đa dạng, phong phú hơn và con người đã làm cho xã hội thay đổi. Chủ trương xây dựng thế hệ cán bộ với 7 dám để đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta xác định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”.[1]

Cho nên thực chất nhận thức sự cần thiết xây dựng rèn luyện đội ngũ cán bộ với phẩm chất “7 dám” không phải là luận điểm mang tính chủ quan, những tri thức đó là kết quả của quá trình nhận thức phân tích từ những vấn đề thực tiễn Việt Nam.

anh tin bai

Quang cảnh Hội nghị chuyên đề về học Bác gắn với tinh thần "7 dám" ở Lào Cai.

Vậy nhận thức về 7 dám là gì? Cán bộ, giảng viên của Trường Chính trị cần thực hiện 7 dám như thế nào?

 “Dám nghĩ” đây là phẩm chất đầu tiên, có ý nghĩa quyết định trong tổng thể bản lĩnh “7 dám” của đảng viên, viên. Bởi vì, muốn hành động đúng thì trước hết phải có nhận thức đúng. Trước các nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp thì mỗi đảng viên cần suy nghĩ để đưa ra những quyết định, những cách thức, biện pháp nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Điều này được biểu hiện ở quyết tâm của giảng viên khi biết dành thời gian để suy nghĩ, phát hiện được những tri thức mới, xây dựng được những bài giảng hay, lựa chọn được cách thức, phương pháp truyền đạt tri thức cho học viên một cách hiệu quả. Sự trăn trở suy nghĩ về phương pháp, cách thức để mang lại hiệu quả cao, thiết thực trong nghiên cứu khoa học, góp phần làm phong phú tri thức trong bài giảng đáp ứng yêu cầu cập nhật kiến thức. Đối với người làm công tác tham mưu dám nghĩ tức là không theo lối mòn, luôn có suy nghĩ, ý tưởng mới để tham mưu với nhà lãnh đạo Trường trong giải quyết các vấn đề trong công việc trở nên năng suất, hiệu quả hơn.

 “Dám nói” thể hiện bản lĩnh dám bày tỏ những suy nghĩ, quan điểm cá nhân về một vấn đề, một hiện tượng xã hội để đồng chí, đồng nghiệp trao đổi, làm sáng tỏ. Có “dám nói” thì những suy nghĩ tích cực, những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả mới lan toả đến mọi thành viên trong tập thể để cùng đi đến mục tiêu chung là hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan. Tuy nhiên, “dám nói” không có nghĩ là “bạ đâu nói đó”, nói một cách tuỳ tiện mà phải nói đúng nơi, đúng lúc, đúng thời điểm, nói trên tinh thần xây dựng, vì cái chung, vì sự tiến bộ. Dám “nói” đối với mỗi thầy cô giáo là việc bày tỏ ý kiến, quan điểm trước những vấn đề xã hội; phân tích cho người học thấy cái đúng, cái chưa đúng, cái hạn chế, cái sai … từ phân tích và góc nhìn nhưng phải đúng với kỷ luật phát ngôn. Bên cạnh đó, “dám nói” còn gắn với việc nói làm sao có sức thuyết phục, có khả năng phản biện để bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, cái lạc hậu, phản tiến bộ. Đây là những phẩm chất cần có và thường xuyên phải rèn luyện của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Nhà trường trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Với mỗi thầy cô giáo là việc phải biết truyền đạt quan điểm lý luận trong từng bài giảng; lồng ghép phân tích tính đúng sai để người học nhận diện phản bác những nhận thức, những quan điểm sai trái thù địch; là tích cực nói, viết và tham gia tích cực vào cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

 “Dám làm” thực chất là sự thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, bản lĩnh, năng lực của cán bộ, đảng viên trong xây dựng mục tiêu, kế hoạch, chương trình hành động nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tham mưu quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, cùng các nhiệm vụ khác được giao. “Dám làm” là mạnh dạn làm việc, nhưng không phải là làm liều, làm ẩu, làm cho qua việc, làm đối phó với cấp trên, hay chỉ làm vì lợi ích cá nhân. Đối với mỗi giảng viên, dám làm cũng là thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao khi được phân công, giao nhiệm vụ giảng bài mới, chuyên đề mới; hướng dẫn học viên lựa chọn những chủ đề khóa luận tốt nghiệp mới; nghiên cứu những vấn đề mới; sẵn sàng dành thời gian tâm sức để tham gia nghiên cứu, xử lý giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn. Đối với cán bộ làm công tác tham mưu xây dựng kiên quyết, kiên trì thực hiện kế hoạch; bám sát nội quy, quy chế quy định để triển khai công việc, kiên quyết báo cáo để có biện pháp xử lý đối với thói quen thường xuyên chây ì, tư duy dựa dẫm, ỷ lại, chậm, muộn xử lý công việc. 

 “Dám chịu trách nhiệm” muốn giành được thành tựu trong công tác thì nhất định phải dám nghĩ, dám nói, dám làm và phải dám chịu trách nhiệm về cách nghĩ, những lời nói, việc làm của cá nhân cũng như tập thể mình phụ trách. Dám chịu trách nhiệm còn phải là bản lĩnh không né tránh khuyết điểm, bởi vì, đã có gan dám làm, dám phụ trách thì phải là người sẵn sàng “có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó”[2]. Có dám chịu trách nhiệm thì như thế mới thực sự tiến bộ, trưởng thành. Dám chịu trách nhiệm còn là năng lực “dám từ chối” và “dám nói không” với tiêu cực. Đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường dám chịu trách nhiệm về chất lượng bài giảng trong việc soạn giảng, áp dụng phương pháp phương tiện mới; chịu trách nhiệm trước nhà trường, trước đồng nghiệp, trước học viên … trong công việc được phân công. Khi tham mưu phải nắm chắc kiến thức bảo đảm chất lượng của những văn bản tham mưu triển khai các hoạt động.

“Dám đổi mới, sáng tạo”, đây cũng là một yêu cầu tất yếu và cần có của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, nhất là những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang tạo ra những chuyển biến nhanh chóng, sâu rộng trong đời sống xã hội đòi hỏi tinh thần sẵn sàng “dám đổi mới, sáng tạo”. Có đổi mới, sáng tạo thì giảng viên mới bắt kịp được xu thế phát triển của thời đại, kịp thời cập nhật những tri thức mới để bổ sung, làm phong phú những kiến thức của bài giảng; vận dụng có hiệu quả phương pháp dạy học tích cực, tiếp cận với khoa học công nghệ hiện đại và chuyển đổi số để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Giảng viên phải đổi mới tư duy trong soạn giảng, nâng cao chất lượng bài giảng bảo đảm tính phù hợp trước từng đối tượng người học và sử dụng có hiệu quả những phương tiện hiện đại. Bên cạnh đó, “dám đổi mới, sáng tạo” của đảng viên còn được biểu hiện ở dũng khí, tinh thần đấu tranh kiên quyết với những cách nghĩ, cách làm bảo thủ, tiêu cực, tư duy lối mòn, bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa trong công tác.

“Dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. Trong quá trình đổi mới, thực hiện nhiệm vụ hiện nay, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh xây dựng và phát triển trường chính trị đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn mức 2 việc gặp phải những khó khăn, thử thách là một tất yếu khách quan. Đây là thước đo đối với bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo đối với cán bộ các cấp, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo quản lý. Thực sự chỉ qua rèn luyện, thử thách mới có thể đánh giá được cán bộ. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên của Trường luôn sẵn sàng tham gia các công việc được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi được Đảng ủy, Lãnh đạo Trường giao. Kiên quyết, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, quan tâm chăm lo xây dựng phát triển tổ chức vì mục tiêu chung. 

Để thực hiện “7 dám” có nhiều giải pháp khác nhau, trong đó việc nâng cao nhận thức cán bộ đảng viên để họ tự giác hành động là yếu tố quyết định. Những biện pháp tác động từ công tác lãnh đạo quản lý là yếu tố góp phần vào việc thực hiện tốt “7 dám”. Song trước những vấn đề của hiện thực xã hội, khi “sợ trách nhiệm” đang là một căn bệnh có tính lây lan trong đội ngũ cán bộ khi Đảng ta kiên quyết, kiên trì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện “7 dám”, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất “7 dám” không phải là một việc đơn giản, nó rất phức tạp, đòi hỏi sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội, sự thấm nhuần đạo đức, sự gương mẫu trách nhiệm của người cán bộ đảng viên.

Từ góc độ của lý luận nhận thức, theo tôi cần tập trung vào giải pháp nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Nhà trường. trong đó cần: Một là, tiếp tục đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh - xác định đây là yếu tố tiên quyết. Khi học tập Bác, cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ chức vụ lãnh đạo, phải ý thức rõ về trách nhiệm của bản thân mình, để hoàn thành tốt bổn phận, chức trách được giao. Mỗi người cũng phải học Bác phẩm chất "nói ít, làm nhiều. Học tập Bác thông qua những câu chuyện kể về Bác trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Hai là, tiếp tục tuyên truyền thấm nhuần tinh thần Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và quan điểm trong Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung “Đây là các vấn đề có mối quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với nhau cả về mặt lý luận và thực tiễn: Chống tham nhũng phải đi liền bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm và ngược lại dám nghĩ dám làm phải trên cơ sở vì lợi ích chung, không vì động cơ tham nhũng, tiêu cực để cả hai nội dung này đều phải trở thành động lực cho sự phát triển chung của quốc gia và của mỗi địa phương.”[3] Ba là, thực hiện tốt công tác nêu gương. Tuyên truyền thông qua những bài viết, bài giảng về những tấm gương kiên trung, vì nước vì dân, những con người thực hiện “7 dám” trong lịch sử. Câu chuyện về những tấm gương kiên trung, với tinh thần trách nhiệm thực sự vì dân đã tạo ra những đổi mới, sáng tạo góp phần làm thay đổi diện mạo xã hội, đem lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân; nêu gương sáng đảng viên trong các hoạt động.

Chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu “7 dám” là một tất yếu khách quan. Do vậy, tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm phẩm chất “7 dám” trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước phải là việc làm thường xuyên, liên tục. Đối với đặc thù của Trường đòi hỏi đội ngũ cán bộ đảng viên cần phải hiểu rõ về “7 dám” để bản thân mỗi người thực hiện; đồng thời mỗi cán bộ, giảng viên phải biết lồng ghép để phân tích trong các bài giảng, góp phần tích cực vào công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.187

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.301

[3] Tiến sỹ Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy tại Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ đảng viên năm 2023

ThS. Hoàng Thị Ánh Thu, Phó Trưởng phòng QLĐT&NCKH
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
image banner