TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TRONG VIỆC SỬ DỤNG INTERNET, MẠNG XÃ HỘI
Theo thống kê của công ty tư vấn kỹ thuật số Kepios: Trên thế giới: Tính đến tháng 4/2023, tỷ lệ người dùng internet trên toàn thế giới chiếm đến 64,6% dân số toàn cầu với 5,18 tỷ người. Còn tại Việt Nam: Vào tháng 1/2023, Việt Nam có tổng cộng 77,93 triệu người dùng Internet, đạt tỷ lệ sử dụng Internet là 79,1% trên tổng dân số. Số lượng người dùng Internet tại Việt Nam đã tăng thêm 5,3 triệu (+7,3%) so với năm 2022.
Trên thế giới hiện có 6 mạng xã hội phổ biến gồm Facebook, Instagram, TikTok, WhatsApp, Twitter và YouTube. Trong đó, gần 4,8 tỷ người, tương đương 59,9% dân số thế giới, là người dùng mạng xã hội. Số lượng người dùng mạng xã hội đã tăng tới 3,7% trong năm qua.
Trong các nền tảng này thì Facebook, TickTok và YouTube là 3 mạng xã hội phổ biến nhất bởi sự tiện dụng, tính lan tỏa và dễ tương tác. Theo kết quả khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal (Singapore), trong số 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, TikTok và YouTube nhiều nhất thế giới - Việt Nam lần lượt xếp vị trí thứ 6, 7 và 9. Tính đến hết tháng 5/2023, Facebook có 2,99 tỉ người dùng - qua đó trở thành mạng xã hội có số tín đồ lớn nhất toàn cầu. Ấn Độ hiện là quốc gia có lượng người dùng Facebook nhiều nhất thế giới với khoảng 314,6 triệu người. Xếp các vị trí tiếp theo là Mỹ, Indonesia với lần lượt 175 triệu và 119,9 triệu người dùng. Việt Nam cũng nằm trong top 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook nhiều nhất thế giới với 66,2 triệu người. Thời gian sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam trung bình là 6 tiếng 38 phút trên ngày.
Đảng, Nhà nước đã có nhiều quy định về vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng xã hội như Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 7/7/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông có quyết định số 874/QĐ-BTTTT ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội…Mỗi địa phương, mỗi ngành tuỳ thuộc đặc thù chức năng, nhiệm vụ có những quy tắc, quy định để cán bộ, đảng viên nhận biết đúng về trách nhiệm của mình khi sử dụng mạng xã hội.
Ở Lào Cai trên có hơn 50 cơ quan/đơn vị, 9/9 huyện/thị xã/thành phố, 152/152 xã/phường/thị trấn có trang fanpage trên Facebook, hoạt động cơ bản ổn định. Báo Lào Cai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã phát triển nội dung trên 04 nền tảng mạng xã hội chính là Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok. Đài Phát thanh và Truyền hình Lào Cai đã đưa vào hoạt động trang Fanpage bằng tiếng Mông trên mạng xã hội Facebook. Thực tế đã hình thành một cộng đồng rộng lớn với nhiều công dân ở mọi thành phần như trí thức, lao động, học sinh, sinh viên và ở nhiều độ tuổi tham gia sử dụng mạng xã hội. Số người dùng Zalo tại Lào Cai là 460 nghìn người, chiếm 59,7% dân số. Hiện nay hầu hết cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều có sử dụng ít nhất một tài khoản, mạng xã hội phục vụ cho việc theo dõi thông tin, giải trí, công việc, ngoài ra các tài khoản này còn được sử dụng cho công việc, công tác tuyên truyền. Như vậy lực lượng cán bộ, đảng viên hàng ngày có mặt trên mạng xã hội là rất lớn, đây là lực lượng quan trọng lan toả, truyền tải những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và những thông tin tích cực.
Nhiều cán bộ, đảng viên đã nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc sử dụng mạng xã hội, đã và đang rất tích cực đăng tải, chia sẻ những thông tin tốt đẹp theo phương châm “phủ xanh” thông tin tích cực. Thông qua sử dụng mạng xã hội, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người làm lãnh đạo quản lý còn nắm bắt tình hình tư tưởng của nhân dân, dư luận xã hội để kịp thời phát hiện những vấn đề nổi cộm, tham mưu xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ, tranh chấp, khiếu kiện, ngăn chặn các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ, góp phần quan trọng vào kiến tạo những giá trị mới, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chúng ta cũng có lực lượng khá bài bản, nền nếp từ tỉnh đến cơ sở làm nhiệm này. Hệ thống công cụ từ văn bản đến các ứng dụng đều đang được sử dụng khá hiệu quả từ phía các cơ quan, tổ chức.
Tuy nhiên cũng còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nắm rõ các quy định, từ đó tiềm ẩn nguy cơ vi phạm khi sử dụng mạng xã hội; nhiều người thờ ơ, bàng quan, chưa sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chia sẻ những điều hay, điều tốt; thấy xấu, thấy sai không đấu tranh, không thể hiện chính kiến. Khả năng sử dụng mạng xã hội để đấu tranh với những thông tin xấu độc còn hạn chế, thậm chí chia sẻ những thông tin chưa kiểm chứng, sai sự thật, làm gia tăng sự nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội và rất nguy hiểm vì người dân dễ bị dẫn dắt khi tin vào việc cán bộ nói, cán bộ chia sẻ. Đây là những vấn đề nổi cộm cần được chấn chỉnh. Để tăng cường trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi sử dụng internet, mạng xã hội, dưới góc độ ghiên cứu, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thông tin, an ninh mạng.
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, đảng viên tích cực thực hiện nghiêm các văn bản về bảo đảm an ninh mạng, như Chỉ thị 28-CT/TW ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư về “Tăng cường công tác bảo đảm an ninh thông tin mạng trong tình hình mới”; Luật An toàn thông tin 2015; Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017; Luật An ninh mạng; Nghị định 53/2022/NĐ-CP ngày 15/8/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 về Chiến lược an ninh mạng; Nghị quyết 22/NQQ-CP ngày 18/10/2019 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW; Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Nghị quyết 35- NQ/TW của Bộ Chính trị…
Đẩy mạnh tuyên truyền những hành vi bị cấm trong luật An ninh mạng, nhất là những hành vi như đăng tải, chia sẻ bài viết, thông tin sai sự thật, chưa được xác thực, kiểm chứng…giúp người sử dụng Internet, mạng xã hội nâng cao nhận thức về các hành vi vi phạm. Trên cơ sở đó mỗi cán bộ, đảng viên hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm và những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa ứng xử khi tham gia mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn.
Thứ hai, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, cơ quan thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, định hướng kịp thời dư luận xã hội trong cán bộ, công chức, đảng viên; thường xuyên tổ chức sinh hoạt nhằm kịp thời trao đổi, làm rõ, vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn từ những thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch, phản động.
Cần dựa vào những tài liệu thông tin chính thống, hướng dẫn của cấp ủy, cơ quan chuyên môn để cung cấp nhanh cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động những luận cứ, thông tin xác đáng; định hướng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp, đăng tải chia sẻ thông tin chính thống trên lên internet, mạng xã hội; tiếp nhận thông tin và có biện pháp xử lý khi tổ chức cá nhân phản ánh dấu hiệu vi phạm trong việc thiết lập và sử dụng internet và trang điện tử cá nhân; kịp thời nhắc nhở khi cán bộ, đảng viên của cơ quan đơn vị có dấu hiệu vi phạm; xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước khi có vi phạm; rà soát nâng cao chất lượng trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.
Các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi sử dụng internet; thực hiện nghiêm Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự kỷ cương trên các lĩnh vực.
Thứ ba, bồi dưỡng kỹ năng nhận diện các âm mưu, thủ đoạn tấn công mạng và các hình thái phát sinh trên không gian mạng, trong đó chú trọng phổ biến kiến thức về các thủ đoạn, hoạt động tấn công mạng phổ biến, như: làm mất kết nối internet, đánh sập các website của Chính phủ, các cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp; giả mạo các website nhằm lừa đảo; đánh cắp tài khoản, mật khẩu, dữ liệu cá nhân; tấn công bằng mã độc (theo tệp đính kèm email hoặc ẩn trong quản cáo Skype); tấn công ẩn danh bằng phần mềm độc hại; tấn công qua usb, đĩa CD, địa chỉ IP, server…
Ngoài các giải pháp trên, thiết nghĩ đối với mỗi cá nhân cần chấp hành nghiêm các quy định về quản lý, khai thác, sử dụng internet, mạng xã hội; đặc biệt là đối với cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về quản ý, sử dụng thông tin, nhất là hành vi cung cấp hoặc phát tán thông tin gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội hoặc lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Sự phát triển của internet, mạng xã hội tạo điều kiện cho việc tìm hiểu, trao đổi thông tin, đáp ứng nhu cầu giải trí và là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội hiện nay. Do vậy chúng ta phải nắm bắt kịp thời và tận dụng hiệu quả các cơ hội, đồng thời chủ động phòng ngừa, ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, bảo đảm quốc phòng, an ninh va sự phát triển của đất nước. Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin là tất yếu trong tình hình hiện nay, là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách mà là trách nhiệm của các ngành, các cấp, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và mỗi công dân. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an ninh mạng cần thực hiện thiết thực hơn nữa, phổ biến sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trên địa bàn nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi vi phạm trên không gian mạng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.